Đó là chia sẻ của ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc VNPT-IT tại hội thảo quốc tế 4G LTE vừa được Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với IDG tổ chức trong trọn ngày 6/4 tại Hà Nội.
Hạ tầng băng rộng phát triển mạnh mẽ
Năm 2017, hạ tầng kỹ thuật 4G LTE ở Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo một kết quả khảo sát đã được công bố thì tỉ lệ phủ sóng 4G tại Việt Nam lên đến 71,26% diện tích lãnh thổ. Tốc độ mạng có nhiều cải thiện đáng kể, đạt mức 21,49 Mbps - đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và chỉ sau Singapore.
Theo Cục Viễn thông - Bộ TT&TT thì tốc độ tải dữ liệu (dowload) trung bình của mạng 4G tại Việt Nam là 35-37 Mbps, cao gấp 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện tại, góp phần nâng tổng dung lượng Internet di động đi quốc tế đạt 5,4Gb/s - tăng 1,5 lần so với năm 2016. Theo nhận định của các chuyên gia thì tiềm năng thị trường 4G tại Việt Nam còn rất lớn, với khoảng 76,4 triệu thuê bao 2G hoặc 41,5 triệu thuê bao 3G có thể chuyển đổi thành thuê bao 4G.
Sự lớn mạnh nhanh chóng của hạ tầng mạng 4G LTE trong năm qua cũng như tiềm năng của thị trường 4G LTE trong một vài năm tới đã và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng 4.0 phát triển mạnh mẽ như: thanh toán và thương mại điện tử, các ứng dụng phát triển thành phố thông minh, tự động hóa, máy hóa, ảo hóa, dịch vụ nội dung số, dịch vụ truyền hình, nghe nhìn trực tuyến… Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng được các điều kiện thuận lợi mà hạ tầng mạng 4G LTE đem lại là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường số.
Tại Hội thảo này, gần 400 đại biểu và các chuyên gia và đại diện các hãng VT-CNTT trong và quốc tế đã có trọn vẹn 1 ngày trao đổi cởi mở về chủ đề “Thúc đẩy phát triển nền kinh tế số trên nền tảng băng thông rộng - Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”, đã nêu rõ các cơ hội, thách thức trong việc nắm bắt các xu hướng kết nối của mạng 4G LTE thời gian tới, cập nhật các xu hướng kinh doanh trong môi trường số…, từ đó có thể giúp các doanh nghiệp tham khảo xây dựng lộ trình phát triển các sản phẩm/dịch vụ của mình. Đồng thời các đại biểu cũng đã bàn thảo đến việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển mạng 5G tại Việt Nam. Diễn ra song song với Hội thảo là một triển lãm về công nghệ 4G LTE với các sản phẩm công nghệ tiên tiến đến từ các hãng, mang đến những trải nghiệm và cái nhìn chân thực nhất về công nghệ mới cho khách tham quan.
Ông Ngô Diên Hy – Tổng Giám đốc VNPT IT tham luận tại Hội thảo – Triển lãm quốc tế 4G 2018
VNPT sẽ đưa các công nghệ AI vào dịch vụ
Xác lập vai trò là doanh nghiệp chủ đạo trong chuyển đổi và số hóa nền kinh tế Việt Nam, VNPT vừa đã chính thức thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT-IT để thực hiện chiến lược quan trọng này, với một trong những nhiệm vụ chính là xây dựng các sản phẩm mà Tập đoàn đang triển khai cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.
Trong bài tham luận của mình về Định hướng phát triển dịch vụ số trên nền tảng 4G LTE của VNPT, Tổng Giám đốc Công ty VNPT-IT Ngô Diên Hy đã chia sẻ, Tập đoàn VNPT đã xây dựng chiến lược VNPT 3.0 chuyển dịch từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ số - và 4G chính là nhân tố sẽ thúc đẩy kinh tế số của VNPT trong giai đoạn tới. VNPT sẽ đưa các công nghệ AI, bigdata, cloud… vào các dịch vụ để tạo môi trường mới nhằm mang lại nhiều hơn lợi ích cho khách hàng; đồng thời giúp tăng sự cạnh tranh cho các sản phẩm dịch vụ của mình trên thị trường.
Hiện các dịch vụ số cho doanh nghiệp của VNPT có 3 mảng ứng dụng chính là chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chính phủ điện tử.
VNPT đã cung cấp sản phẩm VnEdu - hiện đang là mạng giáo dục số 1 tại Việt Nam về thị phần và đã được triển khai khắp 63 tỉnh thành phố với khoảng 12.800 trường học trên cả nước sử dụng hệ thống quản lý thông tin nhà trường, 4-5 triệu hồ sơ học sinh, hơn 650.000 giáo viên và 2.000 website của các trường học. VNPT hiện đã xây dựng xong phiên bản VnEdu 2.0, kết hợp hệ sinh thái đầy đủ để cung cấp cả nền tảng Elearning (đào tạo trực tuyến) và tăng cường hơn nữa kết nối giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh.
Ở mảng chính phủ điện tử, VNPT đã triển khai sản phẩm eGov chính thức cho 49/63 tỉnh, thành phố theo đúng khung quy chuẩn. Hệ thống một cửa liên thông iGate của VNPT đã được triển khai trên 25/63 tỉnh thành phố. Hệ thống điều hành văn bản iOffice được triển khai tại 45 tỉnh thành phố với kết nối liên thông 4 cấp bao gồm đầy đủ các module tới khoảng 10.000 đơn vị các cấp. Riêng với mô hình Thành phố thông minh, hiện VNPT đã triển khai ký biên bản ghi nhớ với 15 tỉnh/thành phố và đang thử nghiệm smartcity, sớm nhất là huyện đảo Phú Quốc thì hiện đã triển khai xong giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2.
Còn trong lĩnh vực y tế, sản phẩm VNPT HIS đã được triển khai cả 4 cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã. Tập đoàn đã triển khai phần mềm quản lý y tế cho 7.210 cơ sở y tế trên cả nước, số hóa công tác khám chữa bệnh.