VNPT đạt 24% kế hoạch doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2018
(10-04-2018 14:58:28)

Mặc dù thị trường viễn thông Việt Nam trong năm qua tương đối bão hòa và có xu hướng đi ngược với thế giới, đó là giữ giá thoại, giá SMS ở mức cao và giảm mạnh giá data, thậm chí phá giá… nhưng VNPT vẫn đạt chỉ số doanh thu tốt. Bằng chứng là 03 tháng đầu năm 2018, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 24% kế hoạch và bằng cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh chỉ số doanh thu và lợi nhuận khả quan, VNPT đã ban hành một số quyết định quan trọng theo đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt như thành lập Công ty VNPT IT.

Thị trường viễn thông Việt Nam trong 03 tháng đầu năm có khá nhiều biến động, bắt nguồn từ các chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) về thay đổi chính sách khuyến mại đối với thuê bao trả trước từ 50% xuống còn 20%. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT chia sẻ tại Hội nghị giao ban quản lý tháng 3/2018 do Bộ TT&TT tổ chứcChủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT chia sẻ tại Hội nghị giao ban quản lý tháng 3/2018 do Bộ TT&TT tổ chức

Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Hùng – Chủ tịch Tập đoàn VNPT chia sẻ tại Hội nghị giao ban quản lý tháng 03/2018 do Bộ TT&TT tổ chức, 03 tháng đầu năm 2018, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn VNPT vẫn đạt 24%, ngang bằng với cùng kỳ năm ngoái, riêng lợi nhuận đạt 25,1% kế hoạch, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong tháng 01 và 02/2018, VNPT đạt lợi nhuận tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ. Thuê bao di động hầu như không tăng trưởng nhiều do chính sách quản lý thuê bao trả trước. Thuê bao băng rộng tăng trưởng 142.000 thuê bao, đạt 84,6% so với cùng kỳ do tháng 2 rơi vào tháng Tết, nghỉ tết dài cũng khiến cho việc phát triển thuê bao không bằng được các tháng trước.

Cùng với việc duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của những tháng đầu năm 2018, VNPT cũng từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức theo định hướng đưa CNTT trở thành trụ cột mới thông qua việc ban hành một loạt các quyết định quan trọng, trong đó có việc thành lập công ty CNTT VNPT (viết tắt là VNPT IT). 

Công ty VNPT IT với vai trò chiến lược của Tập đoàn sẽ có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ, phát triển tích hợp các giải pháp ICT phục vụ khách hàng của VNPT cả trong và ngoài nước.

Như vậy, VNPT IT ra đời sẽ trở thành trụ cột sản xuất mới của VNPT về phần mềm và các ứng dụng CNTT, từng bước góp phần đưa Tập đoàn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số (Digital Service) hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm giao dịch số (Digital Hub) tại khu vực, bên cạnh các trụ cột khác là Postef - trụ cột về thiết bị ngoại vi, VNPT Technology - trụ cột về thiết bị điện tử. Đây sẽ là những trụ cột sản xuất không thể thiếu của một Tập đoàn VT-CNTT như VNPT, cùng với đó là khối Hạ tầng do VNPT-Net nắm giữ, khối dịch vụ Giá trị gia tăng do VNPT Media  quản lý và khối Kinh doanh do VinaPhone đảm nhiệm.

Là Tập đoàn kinh tế chủ lực của nhà nước trong lĩnh vực VT-CNTT, VNPT xác định phải có trách nhiệm với quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bằng việc tham gia công tác chuyển đổi và số hóa nền kinh tế của Việt Nam. Chính vì vậy, VNPT đã sớm có những bước chuẩn bị cần thiết để tham gia vào cuộc cách mạng này.

Theo đó, VNPT đã tập trung xây dựng những hệ thống hạ tầng mạng băng rộng và siêu rộng trên cả mạng cố định và di động. Trên nền tảng đó, VNPT đưa các công nghệ mới vào vận hành hệ thống băng rộng và cố định để tạo ra kết nối thông minh và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh, cung cấp các dịch vụ ứng dụng CNTT thông minh và quản trị sáng tạo để phục vụ hạ tầng cho một loạt dịch vụ hiện đại, đáp ứng tối đa các nhu cầu của nhiều tập khách hàng ở các phân khúc khác nhau như Chính phủ, Bộ ngành, Tỉnh/thành phố, doanh nghiệp, các trường học, bệnh viện…