Từ ngày 09/04 - 13/04/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Viễn thông khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APT) tổ chức “Hội nghị Nhóm Thông tin vô tuyến của APT lần thứ 23” (AWG-23).
Hội nghị thu hút sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới về thông tin vô tuyến đến từ các quốc gia thành viên của APT cùng nhiều doanh nghiệp viễn thông có tên tuổi trong nước và quốc tế như: VNPT, GSMA, Ericsson, Huawei, Samsung, Qualcom.
Với kinh nghiệm của một nhà mạng có nhiều uy tín trong lĩnh vực VT- CNTT đã từng phục vụ nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao lớn tại Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã được Ban tổ chức “Hội nghị Nhóm Thông tin vô tuyến của APT lần thứ 23” lựa chọn là đơn vị cung cấp dịch vụ VT-CNTT phục vụ Hội nghị.
Ngay sau khi được lựa chọn, VNPT đã tiến hành khảo sát và triển khai nhiều phương án kỹ thuật, đầu tư nhân lực, vật lực trang bị hạ tầng tốt nhất nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ Hội nghị. Đồng thời, VNPT cũng xây dựng các phương án dự phòng và cử cán bộ trực tại tất cả các phiên họp của AWG-23 để xử lý ngay các tình huống phát sinh.
Các nhân viên kỹ thuật của VNPT đang vận hành hệ thống thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt tại Hội nghị AWG-23 |
Vào tối 09/4/2018 tại Gala Khai mạc Hội nghị, VNPT đã hân hạnh được ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng cục Tần số - Bộ thông tin và Truyền thông trao chứng nhận Nhà tài trợ vàng cho AWG-23.
Hội nghị Nhóm Thông tin vô tuyến của APT (AWG) là Hội nghị chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến quản lý tần số, các ứng dụng và công nghệ thông tin vô tuyến của Cộng đồng thông tin khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APT). Kết quả nghiên cứu của AWG là các Báo cáo và Khuyến nghị giúp ích cho các thành viên của APT và cả các khu vực khác trên thế giới trong việc sử dụng hiệu quả tần số và triển khai các hệ thống thông tin vô tuyến; điển hình như Khuyến nghị về quy hoạch băng tần 700 MHz, báo cáo về chuyển đổi công nghệ GSM sang di động băng rộng.
Tại AWG-23, Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về quản lý tần số như: Xây dựng các quy hoạch và nghiên cứu dùng chung cho các băng tần 3.3-3.4 GHz, 4.8-4.9 GHz, 1427-1518 GHz, 2 GHz được xác định cho IMT; nghiên cứu các công nghệ thông tin vô tuyến áp dụng trong các lĩnh vực như giao thông thông minh, thông tin hàng không, hàng hải, an toàn cứu nạn, hệ thống vệ tinh.