Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả VNPT đã đạt được
(17-03-2017 14:33:55)

Sáng ngày 15/3/2017, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đầu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đến kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ tại VNPT.

Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng gửi lời biểu dương VNPT vì những hoạt động và những kết quả nổi trội so với các doanh nghiệp khác trong thời gian qua. Cụ thể:

VNPT đã hoàn thành tốt việc tái cấu trúc theo quyết định 888-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng đặc biệt khen ngợi lãnh đạo Tập đoàn đã tạo được sự ổn định tư tưởng, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Trong suốt quá trình tái cấu trúc, Chính phủ không nhận được bất kỳ một đơn thư khiếu nại nào. Đây là điều mà không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng làm được khi thực hiện tái cấu trúc.
 
 
Tại buổi làm việc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thay mặt Tổ công tác chuyển lời biểu dương của Thủ tướng tới VNPT.
 
Tái cấu trúc là một nhiệm vụ rất lớn song VNPT đã cơ bản hoàn thành và đạt được những kết quả khả quan. Dễ thấy nhất chính là hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng cao đáng kể. Việc thoái vốn ngoài ngành dù bán được chưa nhiều, song phần bán được đem lại hiệu quả rất cao. 
 
Thủ tướng mong rằng VNPT sẽ phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua để tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cấu trúc giai đoạn 2016 - 2020 tới đây, làm sao để hiệu quả, chất lượng, xứng đáng là tập đoàn hàng đầu về CNTT. Một số nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc chưa hoàn thành được trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ và các Bộ, ban ngành sẽ cùng hỗ trợ để tháo gỡ.
 
Trong giai đoạn tái cấu trúc 2014 - 2016, lợi nhuận của VNPT đã tăng trưởng hơn 20% trong 3 năm liên tiếp dù doanh thu không tăng nhiều. Thị phần thuê bao tăng, đặc biệt là trong năm 2016 (tăng 2,3% thị phần thuê bao di động và 11,5% thị phần internet cáp quang). Thu nhập người lao động cũng được cải thiện đáng kể (từ 11,7 triệu đồng/người/tháng năm 2013 lên mức 18,7 triệu đồng/người/tháng năm 2016)…
 
Trong số các đơn vị đã thoái được vốn, tổng số vốn đầu tư của Nhà nước vào khoảng 608 tỷ đồng song VNPT đã thoái vốn và thu về số tiền gấp 1,73 lần (tương đương 1.051 tỷ đồng). 
 
VNPT đã đầu tư một hạ tầng mạnh, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Chính phủ điện tử
 
Trong suốt quá trình hoạt động và phát triển của mình, VNPT đã đầu tư và xây dựng một hạ tầng rất mạnh, giúp các địa phương, Bộ, ngành thực hiện tốt việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
 
Thủ tướng mong rằng VNPT sẽ tiếp tục chung tay cùng với Chính phủ quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, hiện đại để phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã đưa vào hoạt động và phát huy tác dụng rất lớn. Ngày 01/4 tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục ra mắt hệ thống tiếp nhận ý kiến của người dân và mong rằng VNPT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đường truyền để hệ thống hoạt động hiệu quả như mong đợi.
 
VNPT hiện là doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới mạnh nhất Việt Nam. Riêng trong năm 2016, VNPT đã xây dựng và đưa vào phát sóng gần 11.000 trạm 3G mới, nâng tổng số trạm 2G/3G trên toàn quốc của VNPT lên con số trên 54.000 trạm. Mạng cáp quang của VNPT đã phủ sóng tới khoảng 96% số xã trên toàn quốc. VNPT cũng là doanh nghiệp viễn thông duy nhất tại Việt Nam sở hữu mạng truyền dẫn vệ tinh với hai vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2. Hệ thống trung tâm dữ liệu hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, dung lượng lớn tại cả ba miền, sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu về năng lực và tính bảo mật của cơ quan nhà nước, Chính phủ.
 
Ngoài hạ tầng vững chắc, VNPT cũng đã phát triển các giải pháp CNTT, từng bước hình thành nên một hệ sinh thái Chính phủ điện tử hoàn chỉnh. Các giải pháp này đang được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Ví dụ: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-ioffice) đã được triển khai ở khoảng 2.000 đơn vị. Hệ thống một cửa điện tử liên thông (VNPT-iGate) đã triển khai ở khoảng 500 đơn vị. Cổng thông tin điện tử (VNPT portal) triển khai ở 1.800 đơn vị. Phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT-HIS) được triển khai ở 7.000 cơ sở y tế trên cả nước. Hệ thống quản lý trường học (VnEdu) được triển khai ở 9.100 trường với 3,8 triệu học sinh và khoảng 2,4 triệu acccount sổ liên lạc điện tử…
 
Không dừng lại ở đó, VNPT vẫn luôn theo sát những quốc gia thành công điển hình trên thế giới trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và cập nhật những giải pháp công nghệ mới để bổ sung, nâng cấp cho các giải pháp của mình, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử.
 
Sản xuất công nghiệp của VNPT đã có những tín hiệu đáng mừng
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá rất cao mảng sản xuất công nghệ công nghiệp của VNPT sau chuyến thăm nhà máy sản xuất của VNPT tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc hồi đầu tháng 2 vừa qua. Thủ tướng đã được chứng kiến và xem những sản phẩm do VNPT tự sản xuất và thấy rằng VNPT đã có sự quan tâm đầu tư vào việc sản xuất các thiết bị công nghiệp. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
 
Thủ tướng mong muốn VNPT sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa để sớm trở thành một Tập đoàn sản xuất công nghệ cao, với các sản phẩm như máy tính, điện thoại chất lượng cao, khẳng định Việt Nam nói chung và VNPT nói riêng đủ sức để làm được những sản phẩm này.
 
Hiện nay VNPT đã hoàn toàn chủ động được 100% thiết bị đầu cuối trên mạng lưới của mình. Các sản phẩm của VNPT không chỉ ở trong nước mà đã đặt chân tới các thị trường nước ngoài. Nhiều sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu vững chắc trên thị trường như đầu thu số DVB-T2, smartbox, … Riêng trong năm 2016, VNPT đã cho xuất xưởng khoảng 2,4 triệu thiết bị đầu cuối.
 
Với những thành công bước đầu đạt được, trong thời gian tới VNPT sẽ tiến tới đa dạng hóa danh mục sản phẩm công nghệ phục vụ thị trường tiêu dùng, y tế, sức khỏe…, đặc biệt là các sản phẩm đón đầu xu hướng phát triển IoT. 
 
Xác định sản xuất công nghệ công nghiệp sẽ là một trong những trụ cột chính của Tập đoàn trong giai đoạn sắp tới, VNPT đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Sau tái cấu trúc, VNPT đã xây dựng một trung tâm R&D và dành nguồn kinh phí lớn cho hoạt động này. Nếu như trước đây mỗi năm VNPT chỉ chi khoảng 10 - 20 tỷ cho các dự án nghiên cứu thì hiện nay VNPT dành khoảng 250 tỷ mỗi năm. Ngoài ra, VNPT cũng đã hình thành quỹ R&D với số tiền hiện vào khoảng 600-700 tỷ đồng. 
 
VNPT cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất sợi thủy tinh để tự chủ trong việc sản xuất sợi quang và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nhà máy đã được khởi công vào đầu tháng 2 vừa qua, với số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2018. Tham vọng trong tương lai, VNPT sẽ có thể sử dụng chính cát ở trong nước để sản xuất sợi thủy tinh thay vì nhập khẩu.