Là một trong những doanh nghiệp viễn thông, CNTT hàng đầu của Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang tiên phong trong việc chuyển đổi IPv6 cho các thuê bao di động và Internet băng rộng. Tính tới thời điểm này, đã có 5 triệu thuê bao FTTH và 2,5 triệu thuê bao di động 3G/4G của VNPT chuyển đổi sang IPv6.
Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, lĩnh vực ICT sẽ là nền tảng và hạt nhân của chuyển đổi số, nâng cao thứ hạng Internet Việt Nam trên trường quốc tế. Một trong những kết quả nổi bật trong năm vừa qua là Việt Nam đã vươn lên đứng đầu ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 trên thế giới chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang IPv6 với tỉ lệ triển khai IPv6 đạt 38,98%.
Việc chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang IPv6 không chỉ phản ánh hiện trạng phát triển Internet quốc gia, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế mà còn thể hiện mục tiêu cao, sứ mạng mới gắn liền với ứng dụng công nghệ cao trong phát triển Internet an toàn, bền vững.
Thống kê của Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho thấy tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng hơn 300% chỉ trong vòng gần 3 năm, từ dưới 1% trong năm 2016 tăng lên đến 39,41% trong tháng 7/2019. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng đến 15% với hơn 16 triệu người sử dụng IPv6. Trong khi đó, tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung toàn cầu hiện mới đạt 22,98%. Với kết quả này, Việt Nam hiện xếp thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6 (sau Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bỉ, Đức).
Những kết quả ấn tượng của Việt Nam trong việc ứng dụng IPv6 không thể không kể tới những đóng góp của các doanh nghiệp Viễn thông, CNTT, đặc biệt là Tập đoàn VNPT đã tiên phong chuyển đổi IPv6 cho thuê bao di động, FTTH tại Việt Nam.
Theo đánh giá của APNIC, việc triển khai IPv6 cho các thuê bao băng rộng cố định (FTTH) và thuê bao di động là nhân tố tác động chính đưa tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng cao. Được biết, ngay từ cuối năm 2018, theo thống kê của APNIC, Tập đoàn VNPT đã dẫn đầu về kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam với tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt hơn 35%, đóng góp khoảng 56% cho kết quả triển khai IPv6 Việt Nam.
Kết quả này có được là do VNPT đã tiên phong triển khai IPv6 cho dịch vụ di động 4G LTE tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai IPv6 cho thuê bao FTTH. Tính đến cuối năm 2018, VNPT đã chuyển đổi IPv6 cho hơn 800.000 thuê bao VinaPhone. Theo đó, chỉ riêng trong tháng 12/2018, số lượng thuê bao di động được triển khai IPv6 của tập đoàn đã tăng lên gần gấp đôi. Tính đến thời điểm hết tháng 6/2019, theo thống kê của APNIC, Tập đoàn VNPT đã đạt tỷ lệ 39,25% ứng dụng IPv6 trong đó có 5 triệu thuê bao FTTH và 2,5 triệu thuê bao di động 3G/4G.
Sự phát triển của dịch vụ mạng viễn thông trên nền tảng 4G LTE hiện đang là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ tới sự “khởi sắc” trong triển khai IPv6 toàn cầu, bởi IPv6 là giao thức mặc định trong mạng 4G. Hiện tại, cùng với Viettel và MobiFone, Tập đoàn VNPT đang nghiên cứu thử nghiệm triển khai IPv6 cho mạng di động 5G và xây dựng kế hoạch chuyển đổi mạng lưới sang mạng thuần IPv6 (IPv6 only).
Việc triển khai tốt IPv6 là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang bắt kịp đúng xu thế phát triển toàn cầu, sẵn sàng “chuyển mình” vươn lên trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet cao trên thế giới. Với sự tăng cường chuyển đổi IPv6 rộng rãi và toàn diện, hiện tại tài nguyên IPv6 tại Việt Nam đã sẵn sàng để các doanh nghiệp trong đó có VNPT phát triển các công nghệ thế hệ mới như 4G/LTE, 5G, IoT, AI… trong thời gian tới.