Cách đây 70 năm, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14 và 15/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Một trong những quyết định mang tính lịch sử chính là thành lập Ban Giao thông chuyên môn (tiền thân của ngành Bưu điện ngày nay) để chịu trách nhiệm tổ chức công tác giao thông liên lạc phục vụ cách mạng. Đây là sự kiện trọng đại, là mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của ngành Bưu điện. Ngày 15/8/1945 đã đi vào lịch sử phát triển của đất nước và cũng là ngày Truyền thống của ngành Bưu điện Việt Nam.
|
Đội ngũ “giao - bưu - vận” đưa bộ đội vượt sông Hàm Luông
Truyền thống hào hùng
Trên chặng đường 70 năm qua với biết bao biến cố lịch sử, ngành Bưu điện đã vượt qua mọi khó khăn và thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”, từ những chiến sỹ giao liên, điện báo viên, đến công nhân đường dây, hộ tống viên, bưu tá... bằng tinh thần quả cảm và sự hy sinh to lớn đã dũng cảm chiến đấu để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Trong bất cứ tình huống nào dù có hiểm nguy, cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện cũng nêu cao tinh thần mưu trí, sáng tạo, kiên cường bám trụ giữ vững đường dây, đảm bảo vận chuyển công văn, thư từ, điện báo phục vụ đắc lực sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ đưa đón bảo vệ cán bộ, bộ đội kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, vận chuyển thiết bị, vũ khí, hàng hóa, thuốc men cho chiến trường.
Tại Bảo tàng Bưu điện nằm trong trụ sở Tập đoàn VNPT ngày nay vẫn còn rất nhiều kỷ vật, hình ảnh về những chiến sỹ giao bưu dũng cảm không quản ngại khó khăn, gian khổ, dốc sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Hay những hiện vật, hình ảnh minh chứng cho sự kiên cường của những cán bộ, công nhân viên khi làm nhiệm vụ tại các tổng đài điện thoại, các trạm cơ vụ, trạm phát thanh, trạm viba... trên khắp cả nước.
Tự hào về truyền thống 70 năm của ngành, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá cho biết: “Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với lực lượng thông tin quân sự, ngành Bưu điện đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, người Bưu điện cũng đem tất cả sức lực trí tuệ và cả xương máu của mình để xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin, phục vụ chiến đấu và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Gần 1 vạn người con ưu tú của ngành Bưu điện đã ngã xuống trên khắp các chiến trường cho độc lập tự do của Tổ quốc”.
Chiến tranh kết thúc thắng lợi, trong thời kỳ đổi mới, ngành Bưu điện đã được tổ chức thống nhất trong cả nước. Hệ thống liên lạc viễn thông được hình thành trên toàn quốc, kết nối tất cả các tỉnh, huyện. Hệ thống bưu chính được thiết lập đến các xã, bản, thôn, ấp. Các dịch vụ điện báo, điện thoại, bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền, phát hành báo chí được phục vụ đến các địa phương.
Đặc biệt với phương châm “đi tắt đón đầu”, đổi mới trong quản lý và công nghệ, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bưu điện Việt Nam đã có những bước đi đột phá, tiếp tục ghi vào trang vàng lịch sử của Ngành với những thành tựu rất to lớn. Với việc thực hiện hiệu quả chiến lược đi thẳng vào công nghệ hiện đại, khôn khéo trong quan hệ quốc tế, đa dạng hóa các hoạt động hợp tác để tranh thủ vốn, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực... ngành Bưu điện đã xây dựng được hệ thống thông tin quốc gia có công nghệ hiện đại, đồng bộ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Tính đến cuối năm 2014, cả nước có gần 8.950.000 thuê bao Internet băng rộng, hơn 140 triệu máy điện thoại, tổng số tên miền “.vn” đạt khoảng 314.000. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á về số lượng của một tên miền cấp cao mã quốc gia. Việt Nam đã co 2 trạm vệ tinh VINASAT- 1 và VINASAT- 2 khẳng định chủ quyền của quốc gia trên khoảng không vũ trụ. Hệ thống các bưu cục, các điểm phục vụ, các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng bưu chính ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Bưu điện Việt Nam với những dấu mốc quan trọng
Đồng hành trên con đường lịch sử của ngành, trải qua nhiều giai đoạn phát triển quan trọng, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được hình thành trên cơ sở triển khai Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, ngày 01/01/2008 Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động. Đến ngày 16/11/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông và từ 01/01/2013, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chính thức hoạt động độc lập, tên gọi của Tổng công ty được đổi thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam lấy theo tên gọi truyền thống của ngành.
Nhớ lại quá trình hình thành của Bưu điện Việt Nam ngày nay, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT và cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên đầu tiên của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam Phạm Long Trận chia sẻ: “Sau một thời gian dài chuẩn bị, từ năm 2000, VNPT đã khởi động tách bưu chính - viễn thông tại các huyện, sau đó thí điểm tách tại 6 tỉnh. Đến đầu năm 2008 chúng ta mới tách hoàn toàn bưu chính ra hoạt động độc lập, hạch toán riêng nhưng vẫn ở chung một mái nhà với người anh em viễn thông. Việc xây dựng các bước đi cũng như những ưu tiên khi chia tách giữa viễn thông và bưu chính là trách nhiệm của VNPT lúc đó”. Người luôn gắn bó, sát sao với sự phát triển của Bưu điện Việt Nam ngay từ khi Tổng công ty được thành lập dưới mái nhà VNPT cũng khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử ngành Bưu điện, viễn thông và bưu chính có chung nguồn cội là đều sinh ra và lớn lên trong một mái nhà. Bưu chính là anh cả, luôn phải gánh vác trách nhiệm của người đi đầu, cống hiến nhiều hơn, hi sinh nhiều hơn trong việc xây dựng truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam.
Hình ảnh người Bưu điện “tận tụy” lâu nay đã trở nên gần gũi, thân thương với người dân cả nước
Từng một thời cùng nhau “chia lửa”, cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi” và từng là một khối thống nhất trong Tập đoàn VNPT nên việc tách ra khỏi Tập đoàn đã khiến hàng vạn cán bộ, công nhân viên không khỏi xao xuyến. Nhưng đây là nhu cầu khách quan của sự phát triển của cả hai lĩnh vực viễn thông và bưu chính, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Bởi việc chia tách này sẽ tạo điều kiện cho Viễn thông thực hiện tự do hoá thương mại, còn Bưu chính có điều kiện để cải cách, từng bước tiến tới cân bằng thu chi và có lãi.
Sau hơn 2 năm tách ra khỏi VNPT, nhưng vẫn chung một mái nhà truyền thống Bưu điện Việt Nam, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vẫn giữ vững và phát huy vai trò chủ lực đối với mạng lưới Bưu chính chuyển phát của đất nước, đảm bảo thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, ổn định đời sống CBCNV, củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ, bước đầu nâng cao sản lượng các dịch vụ hiện có, đồng thời phát triển thêm nhiều dịch vụ mới. Trong nhiều sự kiện quan trọng của ngành, khi đề cập tới sự phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son luôn khẳng định, những kết quả mà Bưu điện Việt Nam đạt được hôm nay đã khẳng định việc chia tách bưu chính và viễn thông là đúng đắn.
Dù đã hoàn toàn chia tách nhưng giữa Tập đoàn VNPT và Tổng công ty vẫn luôn có mối quan hệ gắn bó, cùng nhau tạo điều kiện để phát triển và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Bởi giữa hai đơn vị luôn hướng tới mục tiêu cao nhất gìn giữ và vun đắp những giá trị truyền thống quý báu mà các thế hệ người Bưu điện đã cùng nhau dày công xây dựng và gìn giữ truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình".
Đổi mới hoạt động, nâng cao vị thế
Tiếp tục được Nhà nước giao thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, bên cạnh việc phát triển kinh doanh, thực hiện mục tiêu lợi nhuận, Bưu điện Việt Nam còn đảm đương nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích cũng như các dịch vụ công ích khác theo yêu cầu của Nhà nước.
Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể hơn 4 vạn cán bộ, công nhân viên và người lao động trên toàn mạng lưới, Tổng công ty đã luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Kết thúc năm 2014, năm đầu tiên hoạt động trong điều kiện không còn trợ cấp công ích của Nhà nước, Tổng công ty đạt lợi nhuận xấp xỉ 100 tỷ đồng. Năng suất lao động cũng được nâng lên đạt 85 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 7%/năm. Thu nhập và việc làm của người lao động được đảm bảo, điều kiện làm việc được cải thiện. Riêng 7 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt hơn 50,5% kế hoạch; tổng lợi nhuận đạt 57,2% kế hoạch năm 2015. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ đạt xấp xỉ 50,4% kế hoạch, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận đạt trên 50% kế hoạch đề ra trong năm 2015 và tăng hơn 2 lần so với 7 tháng đầu năm 2014. Mạng lưới bưu chính tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng được đảm bảo và mở rộng vùng phục vụ đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước.
Không chỉ duy trì và phát triển tốt mạng bưu chính công cộng đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước về cung ứng dịch vụ công ích, Bưu điện Việt Nam còn chủ động cung cấp nhiều dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ tài chính bưu chính như: thu hộ, chi hộ; đại lý bảo hiểm, đại lý bán vé, dịch vụ ngân hàng bán lẻ; các dịch vụ công như chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, chi trả trợ giúp xã hội... Nhiều dịch vụ liên quan đến dịch vụ hành chính công được triển khai đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và phát huy hiệu quả mạng lưới bưu chính công cộng như: chuyển phát chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, hồ sơ hành chính, thủ tục nhà đất, kết quả xét nghiệm của các bệnh viện...
Việc tăng cường thực hiện các dịch vụ chuyển phát hành chính công qua mạng lưới bưu điện không chỉ mang lại nguồn thu ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn mạng lưới, nâng cao vị thế của Bưu điện Việt Nam trong toàn xã hội mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính tại Việt Nam.
Với vai trò đặc biệt quan trọng cùng với những kết quả đã đạt được, Bưu điện Việt Nam là một trong những Tổng công ty vừa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt.
Phấn đấu trở thành doanh nghiệp bưu chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á
Nhằm hướng tới việc phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả trong kinh doanh; chủ động phát huy nội lực; quyết tâm đổi mới mọi mặt hoạt động; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư phát triển con người. Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020 của Tổng công ty đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020 doanh thu toàn đơn vị đạt 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận phấn đấu đạt 500 - 600 tỷ đồng. Bưu điện Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo và dẫn đầu ngành bưu chính tại Việt Nam và trở thành doanh nghiệp bưu chính quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, Bưu điện Việt Nam sẽ đồng thời thực hiện tốt nhất mọi nhiệm vụ công ích cũng như đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới từng lớp khách hàng. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc triển khai đồng bộ ba trụ cột kinh doanh, phát huy thế mạnh mạng lưới rộng khắp để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn; chuyển nhanh, mạnh tổ chức sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, thương mại điện tử, trở thành nhà phân phối bán lẻ các sản phẩm dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính rộng nhất Việt Nam.
Trong chặng đường phát triển mới, phát huy truyền thống 10 chữ vàng kết hợp với sức mạnh đoàn kết, thống nhất trên toàn mạng lưới, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tận dụng triệt để những cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vị thế doanh nghiệp chủ đạo quốc gia trong lĩnh vực Bưu chính, viết tiếp lên những trang sử hào hùng trong lịch sử truyền thống của ngành Bưu điện. |