Một số người thậm chí cho rằng với cách làm như vậy, Facebook chẳng khác nào đang "giết chết" sản phẩm của chính họ.
Những dòng thông báo đơn giản, nhưng lại vô tình là nỗi "ám ảnh" với một số người dùng.
Thông báo là tính năng đặc trưng lần đầu tiên có trên mạng xã hội Facebook, giúp người dùng không bị bỏ lỡ khỏi các thông tin, tin nhắn quan trọng, đáng chú ý.
Tuy nhiên, có vẻ như Facebook trong những năm gần đây đang quá lạm dụng hệ thống thông báo của mình để khiến người dùng không thể "rời mắt" khỏi màn hình điện thoại, máy tính, biểu hiện qua lượng thông báo trên các mạng Facebook và Instagram là quá dày đặc.
Cesar Kuriyama, người tạo ra app nổi tiếng mang tên "1 Second Everyday" cho biết ông đang "chán ngán" Instagram. "Từ chối các thông báo từ Instagram giống như một công việc bán thời gian vậy", Kuriyama ám chỉ những thông báo liên tục được hiển thị trên mạng xã hội Instagram.
"Nó giống như một sự quấy rối vậy", Kuriyama than phiền. "Làm ơn đừng cố bắt tôi phải nhấn nút "đồng ý", khi mà tôi đã nói "không" hàng trăm lần mỗi ngày".
Được biết, tính năng thông báo trên Facebook và cả Instagram (vốn thuộc quyền sở hữu của Facebook) đã đón nhận nhiều chỉ trích trong quá khứ. Tuy nhiên trong khoảng vài tháng trở lại đây, những than phiền của người dùng ngày đang xuất hiện ngày một nhiều, và trở nên nghiêm trọng hơn.
Sau khi Facebook mua lại Instagram vào năm 2012, Greg Hochmuth, một trong những nhân viên đầu tiên của Instagram lưu ý rằng đây là một bước chuyển dịch đáng chú ý về định hướng của công ty. Về mặt cốt lõi giá trị, Instagram từng quan niệm xây dựng nội dung của nó xung quanh người dùng, tuy nhiên sau đó đã chuyển đổi sang một yếu tố khác: đó là chỉ số.
"Sự tăng trưởng người dùng chính là chìa khoá", Hochmuth cho biết. Cũng chính bởi yếu tố này mà người ta không lấy làm ngạc nhiên khi Instagram ngày càng trở nên bận tâm với việc thu hút những người dùng mới - đúng như cái cách mà Facebook định hướng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, cái cách mà Facebook sử dụng dường như đang khiến chính họ trở nên mất giá trị, còn người dùng thì mệt mỏi.
Julius Dein, một người dùng nổi tiếng trên mạng Facebook với hơn 15 ngàn lượt theo dõi cho biết anh ngày càng nhận thấy sự suy giảm về chất lượng các thông báo mà mình nhận được.
Kể từ khoảng tháng 4, Dein đã liên tục nhận được nhiều thông báo rác hơn hẳn so với trước đây. "90% các thông báo là chẳng hề liên quan chút nào đến điều mà tôi mong muốn". Có thời điểm, Dein thậm chí đã tìm cách chặn rất nhiều thông báo vì thấy chúng hoàn toàn vô nghĩa.
Theo mặc định, Facebook đang kích hoạt rất nhiều thông báo đối với các sự kiện như tin đăng trên hội/nhóm, thông báo tin nhắn, thông báo sinh nhật, cũng như các hoạt động đang diễn ra của bạn bè, hay tính năng "Vào ngày này năm xưa",...
Và bởi đa số những thông báo này không bao hàm thông tin thực sự quan trọng, nên những người dùng như Dein đã chọn cách phớt lờ chúng đi. Thế nhưng trong trường hợp này, họ lại có thể dễ dàng lọt mất những thông tin quan trọng.
Nhà sáng lập app "1 Second Everyday" đánh giá những thông báo trên Facebook giờ đây giống như trò "tra tấn tâm trí" vậy. "Facebook tiếp tục hướng đến những điều vô ích để thông báo cho người dùng", ông nói. "Chúng thật ngu ngốc và phiền phức".
Trên thế giới đã có không ít người với lý do không chịu nổi sự phiền phức, cũng như cảm thấy bị lệ thuộc quá nhiều vào Facebook cũng như các dịch vụ mạng xã hội, để rồi phải đưa ra quyết định tạm thời rời xa loại hình giao tiếp này. Điển hình như Tim Cook mới đây từng "thú nhận" rằng tần suất khiến ông phải cầm điện thoại lên mỗi ngày là quá nhiều. "Tôi dần phát hiện ra những thứ bất hợp lý", Cook cho biết. "Điển hình như chế độ hiện thông báo (nortification) mỗi khi có tin nhắn hay sự kiện nào đó. Bạn biết đấy, những thông báo như thế này đáng lẽ chỉ nên xuất hiện khi có điều gì thực sự quan trọng."
Dù không cho biết chính xác là do ứng dụng nào, nhưng chắc chắn ai cũng hiểu rằng chỉ có thể là các mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram,...) mới có cơ chế thông báo nhiều và liên tục như vậy.