Quản chặt đầu số SMS để kiềm tỏa tin nhắn rác
(10-09-2015 09:28:06)

- Thông tư 25/2015/TT-BTTTT do Bộ TT&TT ban hành hôm 9/9/2015 có một số quy định giúp khắc phục tình trạng tin nhắn rác và tin nhắn/cuộc gọi lừa đảo gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Để tìm hiểu thêm về những tác động khi áp dụng Thông tư này vào thực tế, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV VietNamNet:Ông có thể cho biết vì sao Bộ TT&TT cần ban hành Thông tư 25/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông?

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT): Kho số viễn thông là một nguồn lực rất quan trọng cho việc tổ chức cung cấp dịch vụ VT-CNTT và có ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thị trường VT-CNTT cạnh tranh. Chính vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định quản lý kho số viễn thông nhằm liên tục nâng cao hiệu quả sử dụng và thúc đẩy cạnh tranh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT.

Thông tư, 25, quản lý, đầu số, SMS, chặn, tin nhắn rác,
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT).

Căn cứ vào thực tiễn quản lý và sử dụng kho số trong thời gian qua, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và các doanh nghiệp viễn thông, lấy ý kiến nhân dân qua Website, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 25 nêu trên. Thông tư 25 đưa ra các quy định đầy đủ hơn và chặt chẽ hơn trong quản lý và sử dụng kho số đúng theo Quy hoạch kho số viễn thông ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014 của Bộ TT&TT.

Việc ban hành Thông tư 22 và Thông tư 25 nêu trên tạo ra môi trường công bằng và minh bạch cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận tài nguyên kho số viễn thông, góp phần đảm bảo thị trường viễn thông cạnh tranh, phát triển bền vững

PV VietNamNet:Ông có thể giới thiệu một số nội dung chính đáng chú ý trong Thông tư 25/2015/TT-BTTTT?

Ông Trần Mạnh Tuấn: Thông tư 25 bao gồm 5 chương, 33 Điều và 5 Phụ lục, gồm các nội dung chính sau:

- Quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý và sử dụng kho số.

- Minh bạch hóa quy trình, thủ tục trong công tác quản lý và sử dụng kho số; từ việc phân bổ, cấp, thu hồi, hoàn trả, thuê và cho thuê mã, số viễn thông v.v.

- Mỗi loại mã, số viễn thông đều đưa ra tiêu chí, cách thức phân bổ cụ thể; đảm bảo việc quản lý và sử dụng kho số đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ Quy hoạch kho số viễn thông.

Một số loại mã, số viễn thông mới được đưa vào Quy hoạch kho số viễn thông hoặc các nội dung trước đây chưa có hướng dẫn cụ thể, nay đã được quy định tường minh trong Thông tư 25 có thể kể đến như sau:   

+ Số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là thiết bị (Machine To Machine - M2M): Là loại số viễn thông mới được  quy hoạch theo Thông tư 22 và việc phân bổ số M2M được quy định trong thông tư 25. Số M2M được đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho việc cung cấp các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin mới trong lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, giáo dục v.v.

+ Số dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS): Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp nội dung (CSP) không được tiếp cận trực tiếp tài nguyên kho số và phụ thuộc vào doanh nghiệp viễn thông di động để có đầu số SMS. Sự phụ thuộc này dẫn đến xung đột trong phân chia lợi ích giữa các CSP và doanh nghiệp viễn thông di động. Khi các CSP được cơ quan quản lý cấp trực tiếp đầu số SMS thì quan hệ kinh tế giữa CSP và nhà mạng sẽ có sự bình đẳng hơn.

+ Đầu số tư vấn dịch vụ gọi miễn phí (1800) và đầu số tư vấn dịch vụ gọi tính phí cao (1900): Thông tư 25 quy định số 1800/1900 chỉ được sử dụng để tiếp nhận cuộc gọi đến; không sử dụng số 1800/1900 để gọi đi, để gửi và nhận tin nhắn.

+ Việc thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông: Thông tư 25 có quy định cụ thể hóa việc thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông được quy định trong Nghị định 25/2011/NĐ-CP. Điều này sẽ thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả kho số viễn thông, tăng cường cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

+ Số thuê bao điện thoại Internet: Các loại hình dịch vụ dựa trên giao thức Internet đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là dịch vụ điện thoại Internet (Internet Telephony) đang ngày càng trở thành xu thế trong tương lai do chi phí đầu tư thấp, thời gian triển khai nhanh, có thể sử dụng tại bất cứ nơi đâu khi có môi trường Internet phù hợp, giá cước rẻ hơn so với loại hình dịch vụ điện thoại truyền thống PSTN. Việc này một mặt vừa tạo điều kiện cho người sử dụng lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình, mặt khác cũng gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông trong việc đổi mới công nghệ, đáp ứng mọi nhu cầu của người sử dụng.

PV VietNamNet:Quy định mới nào tại Thông tư 25 có thể góp phần khắc phục  tình trạng tin nhắn rác và tin nhắn/cuộc gọi lừa đảo, thưa ông?

Ông Trần Mạnh Tuấn: Thông tư 25 quy định cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp phân bổ đầu số SMS cho CSP là một trong những quy định như vậy. Lâu nay các doanh nghiệp viễn thông di động tự cấp số cho các CSP để làm số dịch vụ tin nhắn ngắn SMS. Do được lợi khi dịch vụ SMS phát triển nên các doanh nghiệp viễn thông di động chưa thực sự tích cực ngăn chặn triệt để các CSP (thu hồi các đầu số đã cấp cho CSP khi dịch vụ SMS vi phạm quy định). Do không trực tiếp phân bổ số cho các CSP, cơ quan quản lý nhà nước khó phát hiện hoặc mất thời gian phát hiện CSP vi phạm để xử lý kịp thời. Điều này góp phần dẫn đến tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo v.v. vẫn chưa được xử lý một cách căn bản.

Ngoài ra, Thông tư 25 cũng quy định các đầu số tư vấn dịch vụ miễn phí (1800) và mất phí (1900) chỉ được tiếp nhận cuộc gọi đến; không sử dụng để gọi đi, để gửi và nhận tin nhắn. Quy định này xóa bỏ tình trạng lạm dụng trong sử dụng các đầu số 1800/1900 làm số dịch vụ tin nhắn để nhắn tin quảng cáo, nhắn tin lừa đảo, gọi điện tới các thuê bao di động để câu kéo người sử dụng gọi lại nhằm thu tiền với giá cao, gây ra rất nhiều bức xúc trong xã hội trong thời gian vừa qua.

PV VietNamNet: Quy hoạch kho số viễn thông đã chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/3/2015 nhưng hiện Bộ TT&TT vẫn chưa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch. Vậy ông có thể cho biết Thông tư 25 có liên quan gì đến Kế hoạch đổi mã vùng hay không?

Ông Trần Mạnh Tuấn: Tại Thông tư 22 về Quy hoạch kho số viễn thông cơ quan quản lý nhà nước quy định, bố trí, sắp xếp các loại mã, số viễn thông (về số lượng, cấu trúc, độ dài v.v) một cách hợp lý trong từng thời kỳ để đảm bảo việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông (Ví dụ: mã vùng cố định, mã mạng di động, số thuê bao cố định, số thuê bao di động v.v)

Tại Thông tư 25 về Quy định quản lý và sử dụng kho số viễn thông, cơ quan quản lý nhà nước, trên cơ sở Quy hoạch kho số viễn thông, quy định về quy trình, thủ tục việc phân bổ, cấp, khai thác, sử dụng, thu hồi, hoàn trả v.v mã, số viễn thông để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng kho số viễn thông.

Kế hoạch chuyển đổi mã vùng liên quan đến lộ trình, các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh khi thực hiện chuyển đổi mã vùng để tối ưu hóa việc sử dụng kho số viễn thông theo Quy hoạch kho số viễn thông ban hành tại Thông tư 22. Kế hoạch này đang được tiếp tục hoàn thiện và sẽ được ban hành tại một văn bản riêng trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.

  • Huy Phong

(--- Vietnam net OTT ---)