Yêu cầu đặt ra cho văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong khối CQNN theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ là phải sớm xây dựng được một danh sách các dịch vụ phải hoặc khuyến khích đi thuê, cũng như danh mục các doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp dịch vụ để địa phương tham chiếu.
Đây là hai trong số những vấn đề đang còn vướng mắc nhiều nhất đối với các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu thuê dịch vụ CNTT thay vì đầu tư, mua sắm, xây dựng dự án.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết, trong thời gian qua, để triển khai Quyết định 80, Bộ TT&TT đã ban hành 2 công văn để đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, cũng như làm việc với một số Bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ủy ban dân tộc, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hay một số doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, CMC, Misa, FPT....để cùng tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc.
Có một thực tế là các hoạt động ứng dụng CNTT đang được thuê còn rất đơn giản, cơ bản, chủ yếu là thuê đường truyền Internet, thuê bảo trì; Thuê hosting, tên miền, chỗ để đặt máy chủ, bảo dưỡng, bảo trì; Thuê hội nghị truyền hình... "Phần lớn các hoạt động ứng dụng CNTT khác vẫn chưa được thực hiện theo hình thức thuê trong năm 2015", ông Tuyên cho hay.
Bên cạnh hai vướng mắc đã nói đến ở trên thì các địa phương, Bộ, ngành cũng chưa có hướng dẫn tiêu chí thuyết minh tính hiệu quả của việc thuê dịch vụ so với đầu tư, mua sắm. Việc xác định cấp, người có thẩm quyền quyết định việc thuê cũng là một nút thắt. Tại cấp Trung ương, việc xác định không khó nhưng khi xuống đến địa phương có sự phân cấp, phân quyền nên "rất loay hoay, không rõ ai mới là người có thẩm quyền quyết định", ông Tuyên giải thích.
Chọn được nhà cung cấp dịch vụ đã khó (vì chưa có danh mục doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp để tham khảo), nhưng cơ chế theo dõi chất lượng dịch vụ cung cấp sau khi triển khai cũng chưa có, việc xác định giá thuê, chi phí cũng chưa có quy định cụ thể...
Và cuối cùng cũng là vấn đề khó nhất, ông Tuyên nhấn mạnh, chính là khó khăn về nguồn kinh phí. Hiện tại, đây thực sự là một bài toán về quả trứng - con gà khi Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, địa phương phải tính toán, đề xuất lên thì mới có thể phân bổ được ngân sách, trong khi các cơ quan, địa phương lại ngồi đợi ngân sách rót về mới quyết định thuê dịch vụ hay đầu tư, mua sắm.
Cần đẩy nhanh!
Để tăng tính khả thi cho việc triển khai trong thực tế, dự thảo văn bản hướng dẫn triển khai Quyết định 80 do Vụ CNTT soạn thảo đề xuất xây dựngDanh mục dịch vụ CNTT thí điểm thực hiện theo hình thức thuê ngoài chia theo 2 giai đoạn 2015 - 2016 và 2017 -2018.
Trong đó, những dịch vụ của giai đoạn 1 được xác định là dịch vụ phần mềm thư điện tử; dịch vụ phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp; dịch vụ thuê kết nội mạng (thuê đường truyền, hạ tầng); Dịch vụ thuê không gian lưu trữ trên Internet - hosting; Các dịch vụ của giai đoạn 2 bao gồm: Cho thuê hệ thống một cửa điện tử và một cửa điện tử liên thông; dịch vụ cho thuê cổng, trang thông tin điện tử; dịch vụ cho thuê hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến...
Ngoài ra, văn bản này còn phải hướng dẫn được rõ ràng các tiêu thí chứng minh tính hiệu quả của thuê dịch vụ; việc nguồn kinh phí thuê dịch vụ sẽ được lấy từ chi sự nghiệp; Hướng dẫn cách lập dự toán và xác định một số chi phí khi thuê dịch vụ; Một số điều khoản trong hợp đồng cung cấp dịch vụ CNTT...
Để làm được điều này, Vụ CNTT đề xuất với Lãnh đạo Bộ cho phép triển khai thí điểm thuê dịch vụ trong năm 2016 tại một số đơn vị trong Bộ để rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế thuê, xây dựng quy trình triển khai mẫu, xác định giá thành, chi phí thuê dịch vụ... tiến tới trình chính phủ ban hành quy định chính thức về thuê dịch vụ CNTT trong CQNN.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng thừa nhận, Quyết định 80 đưa ra một chủ trương hoàn toàn mới nên việc xây dựng văn bản hướng dẫn là rất khó, nhất là khi quy trình chuyển từ mua sắm, đầu tư sang thuê hết sức phức tạp, số lượng quy định có liên quan rất nhiều.
Theo ông, hiện nhiều cơ quan, địa phương đã thuê dịch vụ rồi, do đó, việc cần làm đầu tiên chính là tiến hành khảo sát, báo cáo thực tiễn triển khai tại những đơn vị này, chẳng hạn như VPCP, UBND TP.HCM.... Dựa trên cơ sở này mới rút ra được những gì đã làm được, những gì còn vướng cần phải hướng dẫn...
Thứ trưởng cũng đồng tình rằng, việc gợi ý được cụ thể một số dịch vụ thí điểm để thuê ngoài trong thời gian nhanh nhất là rất quan trọng. Chẳng hạn như datacenter, nếu không sớm quy định thì sẽ có nguy cơ các địa phương đầu tư xây dựng tràn lan thay vì đi thuê, rất lãng phí và kém hiệu quả.
Hơn nữa, văn bản hướng dẫn phải liệt kê được với những dịch vụ nói trên thì hiện tại thị trường, doanh nghiệp đã đáp ứng được những gì, đã cung cấp được những dịch vụ nào để địa phương tham khảo... Đặc biệt là đề ra được các tiêu chuẩn chất lượng, các yêu cầu về an toàn thông tin để địa phương giám sát.
Thứ trưởng đề nghị các bên liên quan tiếp tục góp ý bằng văn bản về Vụ CNTT trước 15/9 để sớm ra được văn bản hướng dẫn.
T.Cầm