Thị trường truyền hình trả tiền: Cá bé đua nhau "tố" cá lớn
(17-06-2015 17:14:07)

Các đài truyền hình cáp địa phương đồng loạt bức xúc, "tố" các ông lớn như SCTV, Viettel dùng nhiều "chiêu trò" cạnh tranh không lành mạnh, nhất là chạy đua về giá cước để "bóp chết" các đối thủ nhỏ hơn.

SCTV, Viettel, truyền hình trả tiền
 

Phát biểu tại Hội thảo "Vấn đề xây dựng đơn giá thuê bao truyền hình trả tiền" do Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV) tổ chức sáng 17/6, ông Hà Văn Dũng, Giám đốc Truyền hình cáp Nghệ An khẳng định, chiến lược kinh doanh của Viettel đang là vấn đề rất "nóng" hiện nay. "Do thị trường đang thiếu một quy chuẩn về giá nên Viettel cạnh tranh về giá không theo một cơ sở nào, khiến cho chúng tôi không biết đường nào mà lần", ông Dũng than thở. Lấy thí dụ ngay tại TP Vinh, ông Dũng cho biết các tờ rơi quảng cáo do Viettel phát ra toàn đề cập đến gói "3 trong 1", bao gồm cả Internet lẫn truyền hình trả tiền. Giá cước của truyền hình trả tiền cụ thể là bao nhiêu hoàn toàn không được nhắc đến. Thậm chí ở nhiều nơi, Viettel còn tặng không dịch vụ cho khách hàng, không thu phí. "Viettel đang lấy nền tảng Internet để cạnh tranh chứ không phải cạnh tranh bằng chính dịch vụ truyền hình trả tiền. Do vậy, tôi kiến nghị Hiệp hội cần yêu cầu Viettel dừng ngay việc bù chéo dịch vụ, trước mắt khi cơ quan quản lý chưa vào cuộc. Nếu không, chỉ 5 năm nữa thôi, các đơn vị truyền hình trả tiền địa phương như chúng tôi sẽ chết hết", vị đại diện Truyền hình cáp Nghệ An gay gắt.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Truyền hình cáp Thái Bình mô tả thị trường truyền hình cáp hiện nay là "tình trạng cá lớn nuốt cá bé", khi từ Nghệ An trở ra Bắc, mỗi đơn vị cung cấp truyền hình cáp analog lại đưa ra một mức giá khác nhau.  Ngay trong một tỉnh, giữa các địa bàn khác nhau cũng có mức giá khác nhau, đôi khi chênh nhau tới 50%. Chẳng hạn như tại Quảng Ninh có giá cước 66.000 đồng, nhưng ở  Cẩm Phả - do chưa có nhiều áp lực cạnh tranh, giá cước lại vọt lên 88.000 đồng. Ngược lại, ở Hòn Gai lại chỉ có 50.000 đồng. Ông lớn SCTV khi Bắc tiến thu phí ở các thành phố lớn 100.000 đồng/tháng nhưng ở tỉnh thì chỉ áp dụng mức 50.000 đồng, về huyện thậm chí chỉ còn hơn 30.000 đồng, buộc các đài đang áp dụng mức giá hơn 100.000 đồng/tháng phải hạ giá theo. "Chính sách giá này khiến cho các doanh nghiệp bé rất thua thiệt, đuối sức. Các ông lớn có rất nhiều chiêu trò khác ngoài giá, nên sự can thiệp của cơ quan quản lý là rất cần thiết để đảm bảo cho thị trường cạnh tranh lành mạnh".

Không kém phần bức xúc, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty Truyền hình cáp Hải Dương cho biết, cả ba ông lớn SCTV, Viettel và FPT đều có hành vi cạnh tranh mang tính chèn ép trên địa bàn. Mức cước mà Truyền hình cáp Hải Dương đang cung cấp cho người dùng là 55.000 đồng/tháng, nhưng SCTV ồ ạt tung ra dịch vụ chỉ với 33.000 đồng/tháng để thu hút khách hàng. Tương tự, Viettel chỉ bắt người dùng trả tiền cước sử dụng dịch vụ Internet, còn truyền hình số và analog thì được... tặng, nơi miễn phí cả năm, chỗ miễn phí 6 tháng. Riêng FPT thì thu mức cước 50.000 đồng/tháng nhưng cho phép chia dịch vụ cho 3 nhà cạnh nhau dùng chung. Điều đáng nói, theo ông Minh, là SCTV hiện đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội, "đã không bảo vệ mà còn đè bẹp anh em thành viên".

Riêng đại diện Truyền hình cáp Hải Phòng, ông Đỗ An Thắng còn cho biết, đơn vị này đã gửi văn bản lên Bộ TT&TT và Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Cương thương), tố Viettel vi phạm quy định về giấy phép, cạnh tranh không lành mạnh. "“Dù không được phép cung cấp dịch vụ Analog nhưng để giành khách hàng, Viettel đã triển khai lắp đặt, cung cấp dịch vụ truyền hình cáp công nghệ tương tự khi chưa được phép”, ông Thắng giải thích.

Vẫn loay hoay chuyện "giá sàn"

Hầu hết các ý kiến tại hội thảo vẫn mong muốn có được một mức giá sàn cho dịch vụ Truyền hình trả tiền để đối phó với tình trạng mà họ cho là "bán phá giá" của một số doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) một lần nữa khẳng định, truyền hình trả tiền không nằm trong danh mục dịch vụ mà Nhà nước phải quản lý giá, do đó, giá cước vẫn phải tuân theo cơ chế thị trường. Dù vậy, Luật Cạnh tranh đã quy định rõ, doanh nghiệp không được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Vì vậy, một hướng giải quyết là Hiệp hội có thể yêu cầu các doanh nghiệp thành viên phải niêm yết, công bố giá thành một cách công khai để có cơ sở cho lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra.

Tỏ ra trung dung hơn so với các đồng nghiệp địa phương, ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV thừa nhận rằng, việc các doanh nghiệp truyền hình trả tiền kiến nghị Bộ TT&TT ban hành giá sàn là "không phù hợp" và việc duy nhất khả thi là phát hiện doanh nghiệp nào đó bán dưới giá thành, vi phạm Luật cạnh tranh mà thôi. "Người dân thì chỉ muốn rẻ, càng miễn phí nhiều càng tốt. Doanh nghiệp thì muốn lợi nhuận. Ta cần tìm cách cân đối, hài hòa giữa các nhu cầu đó như thế nào", ông Úy nêu quan điểm.

Nên chăng, theo đại diện SCTV, nên yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp giá vốn để khi một doanh nghiệp bán dưới giá vốn, Cục Quản lý Cạnh tranh có thể vào cuộc được. Hoặc nếu một doanh nghiệp công bố giá vốn quá thấp đến bất thường, Hiệp hội có thể kiểm tra, xác minh, yêu cầu doanh nghiệp đó chứng minh.

Thế nhưng có mặt tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh lại nói rằng, việc chứng minh được giá dịch vụ thấp hơn giá thành là một quá trình "rất phức tạp, rất khó" và khuyến nghị các doanh nghiệp truyền hình trả tiền chuyển hướng sang công khai chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng... để tăng sức cạnh tranh.

Băn khoăn trước ý kiến này, ông Vũ Văn Hiến, Chủ tịch VNPayTV hy vọng mình "chỉ nghe nhầm". "Đành rằng khó, nhưng không thể không làm. Nếu khó mà bỏ luôn thì rất gay, vì doanh nghiệp còn biết trông cậy vào đâu cho tính pháp lý của hoạt động trên thị trường?".

Ông Hiến cam kết, Hiệp hội sẽ tích cực giúp đỡ cơ quan quản lý tính được đầu vào của truyền hình trả tiền để làm sở cứ cho việc thanh tra, kiểm tra. Tuy vậy, ông vẫn kêu gọi các doanh nghiệp truyền hình trả tiền "ngừng triệt tiêu nhau bằng giá" vì không thể triệt tiêu nhau mãi được nếu muốn kinh doanh còn có lãi. "Xét về lâu dài và tổng thể thì người dùng cũng thiệt hại, vì sau một thời gian, doanh nghiệp nhỏ chết hết, thị trường sẽ quay trở lại tình trạng độc quyền".

Trọng Cầm

(--- Vietnam net OTT ---)