Trước khi thành lập và biến Uber trở thành startup giá trị nhất như hiện nay, Travis Kalanick từng thất bại với 1 startup, ăn mỳ tôm khởi nghiệp và giờ anh lại bị buộc rời khỏi vị trí lãnh đạo của công ty do chính mình sáng lập.
Travis Kalanick đã dành gần 1 thập kỷ qua để biến một ứng dụng gọi xe trở thành startup giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, sự nghiệp CEO của Uber đã chấm dứt vào ngày thứ Ba vừa qua khi anh phải từ chức sau chuỗi những bê bối bất tận của công ty làm dấy lên lo ngại về khả năng lãnh đạo của Kalanick.
Dưới đây là hành trình sự nghiệp trong 10 năm của vị CEO này:
Trước khi đến với Uber
Khi vừa mới tốt nghiệp, Kalanick đã cùng với những người bạn thời đại học của mình tạo ra Scour – một dịch vụ chia sẻ file gần giống với Napstor. Tuy nhiên startup này không tồn tại được lâu.
Dù thất bại nhưng Kalanick vẫn không từ bỏ nghiệp doanh nhân và suốt 4 năm sau đó anh làm việc không lương với một dự án startup khác tên là Red Swoosh.
Kalanick nói rằng anh ấy thường xuyên phải ăn mỳ ăn liền trong những năm tháng đó. Sau này, thậm chí Travis còn đi đôi tất có in dòng chữ “Mồ hôi, máu và mỳ tôm”.
Thật may với Red Swoosh - dự án startup thứ 2, Kalanick đã bán lại được với giá 15 triệu USD vào năm 2007.
Cùng Uber lên ngôi vị startup giá trị nhất thế giới
2008: Kalanick nói rằng anh nảy ra ý tưởng về Uber khi không thể bắt được xe taxi tại Paris trong lúc tham gia một cuộc hội thảo về công nghệ tại đây.
Cùng lúc đó, một người bạn của Kalanick là Garrett Camp cũng có ý tưởng tương tự. Lúc đó, cả hai thề sẽ xử lý vấn đề này bằng một ứng dụng cách mạng. Ứng dụng đó rất đơn giản: Chỉ cần nhấn nút và sẽ gọi được xe. Camp và Kalanicks đã hỏi 3 người bạn khác trở thành những cố vấn trong thời gian đầu khởi nghiệp.
2010: Uber chính thức ra mắt tại San Francisco vào tháng 5/2010 và Kalancik đã tham gia điều hành công ty này toàn thời gian trên cương vị CEO vào tháng 12/2010.
“Tôi cực kỳ, cực kỳ phấn khích khi được tham gia vào ban lãnh đạo toàn thời gian tại Uber”, Kalanick chia sẻ trong giai đoạn đó.
Kalanick đã tiến hành làm rất nhiều việc để định hình lại công ty, gạt đi ý tưởng của Camp là Uber sẽ mua xe và sở hữu chúng. Anh cũng biến Uber thành cỗ máy huy động vốn khủng khiếp.
Phong cách quản lý có phần thích gây chiến của vị CEO này đã giúp công ty vượt qua được một vài rào cản về luật pháp lúc bấy giờ bao gồm cả việc các hãng taxi truyền thống nói rằng Uber không tuân thủ luật pháp địa phương.
2011: Uber mở rộng sang New York và Paris trong khi đó họ tự xây dựng hình tượng của mình như một “Tài xế riêng của tất cả mọi người”.
Ngôi sao nhạc rap Jay-Z và nhà sáng lập Amazon là Jeff Bezos đã trở thành những nhà đầu tư sớm nhất vào Uber giúp công ty này huy động được hơn 40 triệu USD.
2013: Uber nhanh chóng trở thành lực lượng đông đảo, "hung hãn" tại hàng chục thành phố khác nhau trên thế giới. Giá trị của công ty tăng lên 3,4 tỷ USD – cho thấy sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của họ.
Tuy nhiên, những điều luật và quy định đã cản bước chân mở rộng của Uber. Hàng loạt thành phố đã đưa ra những quy định nhằm cấm dịch vụ này hoạt động bởi nó đe dọa tới ngành taxi truyền thống.
Kalanick nói rằng công ty đã phải chi tới 1 triệu USD mỗi năm cho chi phí liên quan tới luật pháp.
“Chúng tôi có 3 nhân viên pháp lý và phải làm việc với các công ty luật trên khắp thế giới, chắc khoảng 50 công ty luật khác nhau”, Travis chia sẻ trong một bài phỏng vấn vào tháng 12/2013.
Anh cũng hạn chế nói về việc Uber có thể trở thành công ty đại chúng và cho biết muốn dẫn dắt công ty trong vài năm nữa: “Uber chính là vợ tôi”.
2014: Uber đạt giá trị 18 tỷ USD vào tháng 6 sau khi huy động thành công 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư tổ chức. Một vòng huy động vốn tiếp theo được tổ chức vào cuối năm đó đã đẩy giá trị của Uber lên mức 40 tỷ USD.
Kalanick sau đó đã trở thành tỷ phú – ít nhất là trên giấy tờ với số cổ phần anh nắm giữ ở công ty – khoảng 3 tỷ USD vào tháng 9/2014 theo ước tính của Forbes.
Uber đã tiếp tục mở rộng ra hơn 100 thành phố khác nhau nhưng các quy định về luật pháp và bê bối đã làm gia tăng lo ngại về mức độ ăn toàn của các chuyến đi.
Một người phụ nữ ở bang Illinois đã nộp đơn kiện Uber nói rằng tài xế của hãng đã ve vãn cô này và công ty cũng bị cấm hoạt động tại New Delhi, Ấn Độ sau khi tài xế của hãng hiếp dâm hành khách.
2015: Uber trở thành startup giá trị nhất thế giới với mức định giá 51 tỷ USD nhưng Kananick vẫn khẳng định chưa muốn để công ty IPO.
Trong khi đó, một số ồn ào lại tiếp tục nổi lên về chính sách của công ty này bởi họ không xem tài xế là nhân viên công ty mà chỉ như một bên ký hợp đồng.
2016: Uber vướng vào 2 vụ kiện cáo của 2 tài xế tại California và Massachusett khi những người này nói rằng họ yêu cầu phía công ty coi mình là nhân viên. Trong khi đó phía Uber khăng khăng rằng nhiều tài xế lại muốn làm việc kiểu tự do hơn.
2017: Kalancik đối mặt với phản đối nặng nề khi tham gia vào đội ngũ tư vấn gồm toàn lãnh đạo của ông Trump. Và vài tuần sau, anh buộc phải rút lui khỏi nhóm này.
Đây cũng chính là thời điểm khởi nguồn cho hàng loạt bê bối tồi tệ của công ty. Chỉ ít lâu sau, một đoạn video quay lại cho thấy Kalanick đang tranh cãi kịch liệt với một lái xe Uber.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của những vấn đề này tới vào tháng 1 khi một cựu kỹ sư Uber là Susan Fowler đã công khai trên trang blog cá nhân về những bê bối tình dục xảy ra trong công ty này.
Kalanick đã nhờ tới cựu thẩm phán Eric Holder điều tra sự việc nhưng trào lưu #DeleteUber đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội.
Đầu tháng 6, cánh tay phải của Kalanick là Emil Michael đã rời công ty.
Michael đã tới một quán bar tại Hàn Quốc cùng Kalanick và một số nhân viên khác trong năm 2014. Anh này cũng chính là một trong những lãnh đạo liên quan tới trường hợp một phụ nữ bị hãm hiếp bởi lái xe Uber tại thủ đô New Delhi.
Cùng lúc đó, Holder công bố báo cáo đáng lo ngại về văn hóa quản lý ở Uber.
Chỉ vài tuần sau, mẹ Kalanick qua đời trong một vụ tai nạn chìm tàu, còn bố anh bị thương nặng và Kalanick có ý định sẽ nghỉ ngơi một thời gian.
Tuy nhiên, với các nhà đầu tư như vậy là chưa đủ. Kalanick đã nói thế này trong tuyên bố từ chức khỏi vị trí CEO: “Tôi yêu Uber hơn tất thảy những gì trên thế giới và trong thời khắc khó khăn của cuộc sống này, tôi đồng ý với yêu cầu của các nhà đầu tư để rời khỏi vị trí CEO. Như thế Uber cũng có thể tiếp tục phát triển thay vì vướng vào những tranh cãi khác”.
Dẫu vậy, Kalanick vẫn mang danh tỷ phú bởi anh nắm trong tay một lượng lớn cổ phần lớn của Uber và vẫn nằm trong hội đồng quản trị của công ty.
Theo Trí Thức Trẻ/CNN