Đại diện của cả Viettel lẫn VNPT đều cho rằng, 2016 mới là năm khởi động của 4G tại Việt Nam chứ chưa thể tạo ra được sự bùng nổ trên thị trường.
Đại diện của cả Viettel lẫn VNPT đều cho rằng, 2016 mới là năm khởi động của 4G tại Việt Nam chứ chưa thể tạo ra được sự bùng nổ trên thị trường.
Chia sẻ tại Tọa đàm Xu hướng ICT năm 2016 do Vietnam ICT Press Club tổ chức chiều 28/12, ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Viettel khẳng định, yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ phổ cập của công nghệ 4G hiện nay chính là giá thành thiết bị đầu cuối. Nhưng hiện tại, giá bán rẻ nhất vẫn ở khoảng 100 USD.
"Tôi không nghĩ trong năm 2016 giá bán này có thể xuống được mức 50 USD. Theo chúng tôi, chỉ khi nào giá bán smartphone 4G giảm được xuống ngưỡng giá này thì thị trường mới có thể bùng nổ", ông Dũng nhận định.
Ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Viettel. |
Đồng quan điểm, ông Tô Mạnh Cường, Phó TGĐ Tập đoàn VNPT cũng cho rằng, thị trường muốn bùng nổ thì phải hội đủ 2 yếu tố là mạng và thiết bị.
Liên quan đến mạng, Bộ TT&TT vẫn chưa chính thức cấp phép 4G, hơn nữa, để triển khai cũng cần phải có thời gian. "Trong điều kiện thuận lợi nhất thì cũng phải cuối năm 2016, các mạng mới triển khai thương mại chính thức được", ông Cường nêu rõ.
Đối với thiết bị, theo ông Cường, hiện mới chỉ có khoảng 5-6% thiết bị lưu hành trên thị trường hỗ trợ 4G. "Cũng giống như 3G, 4G khó có thể đạt được số lượng khách hàng tăng đột biến ngay trong năm đầu triển khai". Nói cách khác, 2016 chưa phải là năm mà thị trường 4G có thể bùng nổ mà mang tính "chạy đà", chuẩn bị cho sự bùng nổ nhiều hơn.
Ông Tô Mạnh Cường, Phó TGĐ Tập đoàn VNPT. |
Rục rịch thử nghiệm
Tính đến thời điểm này, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 4G cho 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone, cũng như đang thẩm định hồ sơ xin cấp phép của FPT Telecom.
Đầu tháng 12 vừa qua, Viettel là nhà mạng đầu tiên triển khai thử nghiệm 4G tới người dùng ở Bà Rịa Vũng Tàu với gần 200 trạm phát sóng, phủ toàn bộ khu vực dân cư của TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền.
Chia sẻ về chương trình thử nghiệm này, ông Hồ Chí Dũng cho biết, 4G không phải là công nghệ mới. Trên thực tế, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp thử nghiệm 4G về mặt công nghệ ngay từ năm 2010. Tuy nhiên, lần này mục đích của Viettel chủ yếu là để các kỹ sư trẻ của Tập đoàn cọ xát thực tế, "không dùng chuyên gia" và đã đẩy được tốc độ gần đạt tốc độ lý thuyết (280 Mbps so với 300 Mbps).
"Mục tiêu của chúng tôi là phủ sóng 4G chỗ nào thì tốc độ đo kiểm được ở vùng xa nhất, ngoài rìa cũng phải đạt 5 Mbps để người dùng xem được video HD", ông Dũng nói thêm.
Trong khi đó, VNPT cũng dự kiến triển khai thử nghiệm 4G tại Phú Quốc và TP.HCM trong thời gian tới. Theo ông Tô Mạnh Cường, hiện toàn bộ thiết bị đã lắp đặt, test thử, chỉ còn đợi tích hợp hệ thống. "Về mặt thử nghiệm công nghệ thì không có gì mới. VNPT đã từng thử nghiệm cách đây 5 năm rồi. Nhưng điểm khác biệt của lần này là thử nghiệm khả năng tích hợp hệ thống cũng như đưa trải nghiệm đến với người dùng", ông Cường chỉ rõ.
T.C