Bà Suvi Lenden, Đặc phái viên của Ủy ban Băng rộng thế giới nhận định rằng giá dịch vụ băng rộng di động trên thế giới vẫn còn quá cao, trong khi trên lý thuyết, nó không nên vượt quá 5% thu nhập tháng của người dùng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: L.Phương |
"Mức cước dịch vụ mục tiêu này chưa đạt được ở nhiều nước, thậm chí ở nhiều thị trường, nhà mạng còn đang tính cước bằng 100% thu nhập người dùng", bà Lenden phát biểu tại Hội thảo "Tương lai của di động băng rộng tại Việt Nam", diễn ra sáng 26/5/2015 tại Hà Nội.
Tuy vậy, muốn hạ giá dịch vụ băng rộng, Chính phủ cần phối hợp nhiều chính sách về quản lý phổ tần, thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà mạng... "Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp như ấn định tần số, thi tuyển tần số, cũng như xây dựng một môi trường tốt cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, tiếp cận khu vực nông thôn", vị chuyên gia này phân tích
Ghi nhận di động băng rộng có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, số thuê bao băng rộng trong nước hiện đạt 22 triệu, trong đó có trên 17 triệu thuê bao di động băng rộng. Các nghiên cứu cho thấy băng rộng góp phần giúp tăng trưởng GDP, cải thiện đời sống xã hội và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Mặc dù vậy, “yêu cầu phát triển của các hệ thống băng rộng di động đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao về nguồn tài nguyên tần số. Nhu cầu phổ tần cho băng rộng di động đang là thách thức tại hầu hết các quốc gia", bao gồm cả Việt Nam. Theo lộ trình đã được phê duyệt, từ năm 2014, Bộ TT&TT đã đồng ý cho các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G LTE ở một số băng tần như 2,6GHz. Bộ cũng đã ban hành Thông tư cho phép triển khai 4G LTE trên các băng tần đang được các doanh nghiệp sử dụng cho 2G. Nếu không có gì thay đổi, việc thi tuyển và cấp phép 4G sẽ được triển khai tại Việt Nam từ đầu năm 2016 tới đây.
"Đây là quyết định đúng đắn của Bộ TT&TT để chuẩn bị cho sự phát triển của 4G, giúp quản lý tài nguyên tần số hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường thông tin di động", Thứ trưởng khẳng định. Việc tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ giúp ích nhiều cho việc định hướng phát triển hạ tầng băng rộng trong tương lai ở Việt Nam, cũng như giúp chuẩn bị tốt hơn cho chương trình nghị sự về băng tần cho di động băng rộng sẽ được xem xét tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới được tổ chức vào cuối năm 2015.
Các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo đều đánh giá cao sự sẵn sàng của Việt Nam đối với di động băng rộng. Trong khi ông Chris Zull, Giám đốc châu Á của GSMA khẳng định Việt Nam là "Quốc gia đột phá và rất phù hợp để phát triển kinh tế số, đã tạo được một nền tảng tốt để phát triển băng rộng trong suốt 10 năm qua và đang đi đúng hướng" thì bà Areewan Haorangsi, Tổng Thư ký Tổ chức Viễn thông châu Á - Thái Bình Dương (APT) bình luận, khu vực ASEAN đang "có nhiều hậu thuẫn để hài hòa hóa tần số". "APT sẽ nỗ lực khuyến khích sự hợp tác giữa các nước để hài hóa tần số hơn nữa, hướng tới nền kinh tế khu vực thông minh nhất".
Có thể nói, chủ đề "Tương lai của di động băng rộng tại Việt Nam" của Hội thảo năm nay là một chủ đề "nóng", thu hút được nhiều sự quan tâm tại thời điểm này. Tham dự hội thảo, vì vậy, có đại diện các đơn vị của Bộ TT&TT, Cục Tần số, Cục Viễn thông, Vụ Khoa học Công nghệ, Viện Chiến lược, Đại diện Bộ Tư Lệnh Thông tin Liên lạc (Bộ Quốc Phòng); Cục Thông tin liên lạc, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I và Cục An ninh Thông tin và Truyền thông (Bộ Công An); Vụ Công nghệ cao, Bộ KHCN; đại diện các doanh nghiệp Viễn thông và các nhà cung cấp thiết bị viễn thông...
Tại Hội thảo, kinh nghiệm của những chuyên gia tới từ các các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực di động băng rộng như: Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT), chuyên gia của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), GSMA, Telstra, Axiata, Ericsson, Huawei, Qualcomm, Alcatel Lucent …đã được chia sẻ và thảo luận đa chiều, trên nhiều phương diện của tương lai vô tuyến băng rộng tại Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo đã tập trung trao đổi, đánh giá các tác động kinh tế - xã hội của việc phân bổ tần số cho các dịch vụ di động băng rộng tại Việt Nam với các kịch bản, các chiến lược khác nhau chuyển đổi tần số từ lĩnh vực khác sang sử dụng cho IMT.
Được biết, Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Tần số và Hiệp hội thông tin di động thế giới GSMA (Groupe Speciale Mobile Association) – một tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu thế giới về thông tin di động. Việc hợp tác này nhằm trao đổi thông tin và triển khai các nghiên cứu chuyên sâu về băng rộng cho di động giúp tăng cường quản lý hiệu quả tài nguyên tần số đối với thông tin di động băng rộng.
Trọng Cầm