Xếp hạng Internet VN thứ 99 thế giới có chính xác?
(20-05-2015 09:57:08)

Theo Báo cáo Quý 4 năm 2014 của Akamai, tốc độ kết nối Internet của Việt Nam trung bình đạt 2,7 Mbps, xếp hạng thứ 11 châu Á và thứ 99 thế giới. Nếu so sánh với các quốc gia lân cận, tốc độ kết nối Internet trung bình ở Việt Nam thấp hơn Singapore (11.7 Mbps), Thái Lan (7.1 Mbps) và Trung Quốc (3.4 Mbps).

 Akamai Technology, nhà cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây có trụ sở tại Massachuset (Hoa Kỳ) mới đây đã công bố một bảng xếp hạng về tốc độ kết nối Internet của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Theo Báo cáo Quý 4 năm 2014 của Akamai, tốc độ kết nối Internet của Việt Nam trung bình đạt 2,7 Mbps, xếp hạng thứ 11 châu Á và thứ 99 thế giới. Nếu so sánh với các quốc gia lân cận, tốc độ kết nối Internet trung bình ở Việt Nam thấp hơn Singapore (11.7 Mbps), Thái Lan (7.1 Mbps) và Trung Quốc (3.4 Mbps).

xếp hạng Internet, Akamai,


Tuy nhiên, còn có những yếu tố khác cần xem xét khi đánh giá chất lượng Internet của mỗi quốc gia. 

Phương pháp đo kiểm

Phương pháp đo kiểm mà Akamai tiến hành dựa trên các thông số khách quan, toàn cầu, tuy nhiên dịch vụ kết nối Internet tại từng quốc gia cũng có những yếu tố đặc thù, cụ thể như:

- Vị trí đặt máy chủ của Akamai: Akamai định tuyến các client tới máy chủ dựa trên yếu tố mạng và tải của các máy chủ Akamai. Phương pháp này giúp các client kết nối tới máy chủ gần với trễ thấp (thích hợp để đo kiểm thông lượng TCP). Tuy nhiên trong thực tế, khi một số máy chủ của Akamai có tải thấp, dẫn tới các client sẽ kết nối trực tiếp tới các máy chủ tải thấp này nhưng không phải là máy chủ có vị trí lý tưởng. Hay nói cách khác, quốc gia nào có nhiều máy chủ của Akamai sẽ có lợi thế hơn trong phương pháp đánh giá của Akamai.

- Dung lượng file tải: Akamai sử dụng các file nội dung mà hãng này cung cấp để làm file tải và tính toán tốc độ độ tải. Khi đó, có một số trường hợp tốc độ đánh giá bị ảnh hưởng nếu thời gian tải quá ngắn và không cho phép cửa sổ TCP tăng tốc độ truyền để tận dụng dung năng của mạng. Điều này sẽ gây giảm tốc độ truyền so với tốc độ thực tế của đường truyền (do đặc điểm của cơ chế TCP slow-start).

- Quản lý đầu xa: Đo kiểm thu thập số liệu theo phương pháp của Akamai sẽ không quản lý được cấu hình phần cứng. Client có thể thiết lập các kết nối khác khi đang thực hiện tải tệp dữ liệu từ máy chủ của Akamai. Trong trường hợp này kết quả của Akamai sẽ không phản ánh đúng thực tế tốc độ kết nối Internet của client.

Mặt khác, phương pháp của Akamai không chỉ ra được các gói dịch vụ mà Client sử dụng khi đo kiểm, nên việc so sánh giữa các quốc gia sẽ không có kết quả chính xác nhất.


xếp hạng Internet, Akamai,

Bảng số liệu đánh giá Internet của Akamai về tốc độ kết nối Internet của các quốc gia trên thế giới. Nguồn: Akamai

Trong cấp độ quốc gia, đo kiểm chất lượng Internet thường sử dụng phương pháp đo kiểm chủ động, Tổ chức đo kiểm chủ động gửi và nhận các tệp dữ liệu mẫu. Phương pháp này áp dụng cho cả mạng băng rộng cố định mặt đất và mạng băng rộng di động mặt đất nhằm có được kết quả chính xác hơn so với cách thu thập thụ động của Akamai từ các truy cập của khách hàng. 

Tuy nhiên, phương pháp chủ động cũng có điểm hạn chế, như: yêu cầu đường truyền riêng, hoặc chỉ đo kiểm được khi đường truyền rảnh rỗi; yêu cầu trang bị thiết bị đo chuyên dụng nên tốn kém chi phí. Cách đo kiểm chủ động cũng khó khả thi trong việc đo kiểm so sánh chất lượng Internet giữa các quốc gia trên thế giới do nhiều yếu tố như: vị trí máy chủ, loại dữ liệu sử dụng đo kiểm, gói cước sử dụng khi thực hiện đo, chủng loại đầu cuối sử dụng đo,... 

Để có được số lượng mẫu số tương đồng khi đánh giá tốc độ kết nối Internet của nhiều quốc gia, phương pháp thực hiện của Akamai buộc phải bỏ qua nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của kết quả đo kiểm.

Có thể nói, các phương pháp đánh giá chất lượng dịch vụ Internet đang được áp dụng, chưa có phương pháp nào cho phép so sánh toàn diện thực tế chất lượng dịch vụ Internet giữa các quốc gia trên thế giới.

Tăng trưởng Internet Việt Nam ở mức cao

Tại Việt Nam, cũng như nhiều nước đang phát triển khác, nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet của người dân tăng nhanh chóng, lưu lượng tăng cao, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải thường xuyên đầu tư nâng cấp mạng. Tốc độ tăng trưởng Internet ở Việt Nam được ghi nhận ở mức 9% mỗi năm, số người sử dụng Internet trên thiết bị di động cũng tăng chóng mặt trong những năm gần đây.

Vì thế, việc nâng cấp của doanh nghiệp đôi lúc còn chưa theo kịp được nhu cầu xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu nâng cấp hạ tầng ở mức cao với các nhà mạng.

Việt Nam cũng có các quy chuẩn về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung và dịch vụ Internet nói riêng được quy định rõ bằng văn bản pháp luật, trên cơ sở các Thông tư 08/2013/TT-BTTTT về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông và các quy chuẩn quốc gia như QCVN 34:2014/BTTTT, QCVN 36:2011/BTTTT, QCVN 81:2014/BTTTT…  để đảm bảo yêu cầu đối với các nhà mạng và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trong đó, việc đo kiểm chất lượng dịch vụ Internet của các nhà mạng luôn tuân thủ phương pháp quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Báo cáo của Akamai cũng chưa ghi nhận được các sự cố bất thường dẫn đến suy giảm chất lượng dịch vụ Internet. Ví dụ như sự cố khách quan gần đây Việt Nam bị ảnh hưởng là việc đứt cáp quang biển AAG khiến kết nối Internet chậm trong nhiều ngày. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tính chính xác trong kết quả mà Akamai công bố.

Tuy số liệu đánh giá Internet của Akamai về tốc độ kết nối Internet của các quốc gia trên thế giới mang tính tham khảo, không thể là thước đo duy nhất, nhưng đây cũng là số liệu quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước thấy được dự quan tâm của xã hội, từ đó có sự quản lý hợp lý đối với dịch vụ này. Các nhà mạng cũng tham khảo để có phương hướng nâng cao chất lượng dịch vụ.

H.P

(--- Vietnam net OTT ---)