Sổ liên lạc điện tử "Cầu nối" giữa nhà trường và gia đình
(30-03-2015 11:24:42)

Chỉ cần lựa chọn gói dịch vụ 60 hoặc 80 ngàn đồng/năm, phụ huynh (PH) sẽ được nhà trường thông báo mọi hoạt động của con em mình ở trường hàng ngày bằng tin nhắn điện thoại. Tuy hiệu quả, nhưng dịch vụ này vẫn bị PH “chê” với lý do chi phí cao, nhất là ở khu vực nông thôn.

Sau gần 3 năm triển khai dịch vụ Sổ liên lạc điện tử (SLLĐT), đến nay hầu hết PH của các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã sử dụng. Với dịch vụ này, PH được cập nhật thông tin hàng ngày tình hình học tập và rèn luyện của con em mình ở nhà trường thông qua tin nhắn điện thoại. Bà Trần Thị Sen, ở 886/12 đường 30-4 (TP.Vũng Tàu) có con học lớp 10 tại trường THPT Nguyễn Huệ cho biết, bà đăng ký sử dụng dịch vụ SLLĐT ngay từ đầu năm học, với cước phí 80 ngàn đồng/năm. Sau 1 học kỳ sử dụng, bà Sen đã nhận được nhiều tin nhắn của nhà trường thông báo về điểm các môn học, hoạt động của con ở trường… “Tôi thấy dịch vụ SLLĐT có nhiều tiện lợi, dù ở nhà hay làm việc gì tôi cũng biết được con tôi đang học cái gì ở trường, hôm nay con được bao nhiêu điểm? Mọi thông tin mà nhà trường nhắn cho tôi thông qua điện thoại đều kịp thời, nhanh chóng và chính xác”, bà Sen cho hay.

Còn ông Trần Đức Tuấn, ở Khu 5 tầng (TP.Vũng Tàu) có con học tại trường THCS Trần Phú cho biết, cách đây 1 tuần, ông Tuấn đã nhận được tin nhắn vào điện thoại di động của nhà trường thông báo con trai của ông đi học muộn và có điểm kiểm tra môn Toán 4 điểm. Ngay lập tức, ông Tuấn liên lạc lại với giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp phối hợp chấn chỉnh con.

 

 Học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong giờ học.

 

Sổ LLĐT đã giúp PH, nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm sâu sát hơn trong việc quản lý, giáo dục HS cả về việc học lẫn sinh hoạt tại trường. Qua tin nhắn kịp thời từ điện thoại, PH đã phát hiện sớm nhất những hành vi vi phạm kỷ luật ở trường của con để có biện pháp giáo dục kịp thời; tránh được tình trạng HS giấu bản kiểm điểm, bài kiểm tra điểm kém hoặc giả mạo chữ ký để đối phó với nhà trường và bố mẹ.

Mặc dù việc sử dụng SLLĐT là tự nguyện, không bắt buộc nhưng nhận thấy việc sử dụng dịch vụ mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý con em mình nên đông đảo PH đã đăng ký sử dụng.

 Trường THPT Trần Nguyên Hãn bắt đầu triển khai SLLĐT đến phụ huynh HS từ đầu năm học 2014-2015, đến nay đã có hơn 1.000/1.400 PH của trường đăng ký sử dụng. Ông Phan Ngọc Tấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau 1 kỳ triển khai sử dụng SLLĐT, Ban giám hiệu nhà trường chưa nhận được phàn nàn nào trong quá trình sử dụng dịch vụ. Tôi thấy dịch vụ này có nhiều tiện ích, mọi thông tin từ nhà trường, GV và HS được PH nắm bắt một cách nhanh chóng, tạo mối quan hệ thân thiện giữa nhà trường và gia đình. Qua đó, góp phần hạn chế được tình trạng PH đến gặp trực tiếp và liên lạc với GV khi tìm hiểu tình hình học tập của con em mình”.

Tuy nhiên, theo phản ánh, bên cạnh những hữu ích mà dịch vụ SLLĐT mang lại, mức phí 60 hoặc 80 ngàn đồng/năm/PH là quá cao đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến PH của nhiều trường không đăng ký sử dụng dịch vụ, nhất là ở khu vực nông thôn.

Ông Trần Như Hải, chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho biết, dịch vụ SLLĐT được phòng triển khai thử nghiệm tại 10 trường THCS trên địa bàn từ năm học 2013-2014. Năm học 2014-2015 chỉ thêm được 1 trường có PH sử dụng, nâng tổng số trường THCS của huyện sử dụng SLLĐT là 11/17 trường. Nguyên nhân là do PH còn nghi ngờ về hiệu quả của dịch vụ.

Trong tổng số 580 HS đang theo học tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ, xã Bình Giã (huyện Châu Đức) chỉ có 20% PHHS sử dụng dịch vụ SLLĐT. “Theo tôi, phần lớn GV của trường là người dân địa phương nên PH rất dễ dàng liên lạc với thầy, cô giáo để tìm hiểu tình hình học tập của con nên họ cho rằng không cần thiết phải sử dụng dịch vụ này”, ông Nguyễn Tấn Thông, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho hay. Trong khi đó, ông Lê Đình Tuấn, PHHS của trường lại cho rằng, với mức phí 80 ngàn đồng/năm/HS là quá cao, lại đóng vào đầu năm học nên rất khó khăn cho những gia đình nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, SLLĐT được Sở GD-ĐT phối hợp với VNPT triển khai từ năm học 2011-2012, ban đầu chỉ thực hiện thí điểm một số trường. Đến nay, dịch vụ này đã triển khai đại trà trong các trường học trên toàn tỉnh, có mất phí. Dịch vụ này không bắt buộc PH phải đăng ký sử dụng. Công tác quản lý học sinh dễ dàng hơn và có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình.

 

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

(--- Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu ---)