Học sinh hết giở trò với sổ liên lạc điện tử
(14-06-2013 22:12:56)

Mấy chị em phụ nữ vừa uống cà phê vừa “tám” đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, nhưng cuối cùng cũng quay về với chuyện bếp núc, con cái.

Một chị nói “cái sổ liên lạc điện tử ấy vậy mà hay! Mất có 80 ngàn một năm mà giải quyết được khối việc. Hôm qua, cái Thắm nhà tui không hoàn thành bài tập ở nhà, ngay lập tức, tui nhận được tin báo của trường qua điện thoại liền, tối về quạt luôn cho một trận, cô nàng nhận lỗi ngay”. Một chị khác chen ngang: “Thằng nhóc nhà tui mới hay chớ, có lần, tui còn phát hiện ra cái vụ nó nhờ ông xe ôm đầu hẻm ký giùm bố mẹ vào sổ liên lạc cơ đấy! Tui chỉ tình cờ phát hiện khi dọn sách vở cho cậu chàng và mở ra xem, thấy sao nó bị kỷ luật hồi nào không rõ, mà điểm kiểm tra toàn vịt với ngỗng không à. Ngạc nhiên hơn là, mình chưa lần nào ký vào cái sổ đó mà sao toàn thấy chữ ký của mình lạ hoắc. Từ dạo có sổ liên lạc điện tử là khác liền, khỏi nhờ ai ký thay mẹ được, chuyện gì cũng khỏi giấu, cu cậu tiến bộ hẳn”.

Các giáo viên tại các trường tham gia vận hành ứng dụng quản lý học sinh vnEdu

 

Sở dĩ có câu chuyện rôm rả quanh sổ liên lạc điện tử là vì trong 3 năm học gần đây, với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý giáo dục, ngành GD-ĐT đã phối hợp với Bưu chính viễn thông (VNPT) tỉnh triển khai rộng khắp tại các trường học ở cả 3 cấp, tiểu học, THCS và THPT. Sau thời gian thí điểm, sổ liên lạc điện tử đã được nhân rộng và nhận được hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh. Sổ liên lạc điện tử là chương trình tin học ứng dụng hỗ trợ nhà trường gửi thông tin về điểm số, quá trình học tập, quá trình rèn luyện, sức khỏe của học sinh hàng ngày tại trường cho phụ huynh học sinh. Đây là kênh trung gian giúp quản lý học sinh bằng CNTT hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với phụ huynh học sinh, giảm công sức, tiền bạc và thời gian so với làm sổ liên lạc bằng giấy. Qua sổ liên lạc điện tử, phụ huynh dễ dàng kiểm tra điểm số, mức độ chuyên cần, ý thức đạo đức của con em mình kịp thời; nhận được thông báo của nhà trường kịp thời. Nhận các tư vấn về giáo dục của chính giáo viên nhà trường; đóng góp các ý kiến, thông tin và phản hồi về nhà trường.

Cũng trong câu chuyện “cà phê sáng”, các chị em còn có ý kiến cho rằng, do không bắt buộc, nên không phải tất cả các phụ huynh trong lớp, trong trường đều tham gia dịch vụ sổ liên lạc điện tử. Vì thế, sổ liên lạc truyền thống bằng giấy trước đây vẫn song song tồn tại. Và những phụ huynh được coi là “lạc hậu”, không tân tiến, đổi mới, vẫn “trung thành” với kiểu liên lạc truyền thống đã phàn nàn rằng, có giáo viên chủ nhiệm ít còn quan tâm đến sổ liên lạc giấy. Thậm chí, có phụ huynh phải “nhắc” thì giáo viên mới ghi chép các thông tin của học sinh vào sổ để phụ huynh biết.

Rõ ràng, cái lợi của sổ liên lạc điện tử là rất lớn và chủ trương này cần được ủng hộ để thay thế dần với cách làm cổ điển trong thông tin giữa nhà trường, phụ huynh về học sinh. 10 ngàn đồng mỗi tháng cũng không phải là quá nhiều so với mức thu nhập của các gia đình hiện nay ở cả thành thị và nông thôn, vì vậy, thiết nghĩ, nhà trường cần có chủ trương tuyên truyền, vận động để tất cả phụ huynh thay đổi cách nghĩ, đồng lòng tham gia.

THẢO LINH - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

(--- Viễn thông Bà Rịa - Vũng Tàu ---)