Những “công trình“ giảm nghèo nhanh và bền vững của VNPT
(20-07-2013 03:00:03)

Từ năm 2008, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ hỗ trợ 2 huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè của tỉnh Lai Châu.

5 năm qua, với nhiều nỗ lực giảm nghèo nhanh và bền vững, hai huyện nghèo đã có nhiều thay đổi. Thế nhưng, trong tâm tư của những người “hỗ trợ”, còn đó những trăn trở để công tác giảm nghèo nhanh và bền vững hơn…

Hàng trăm tỷ đồng góp phần thay đổi diện mạo huyện nghèo

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ, ngay sau khi ký thỏa thuận hỗ trợ với UBND tỉnh Lai Châu và UBND hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè, VNPT đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Với tổng kinh phí cam kết 210 tỷ đồng, đến nay, VNPT đã thực hiện 159 tỷ đồng, đạt 75,7% cam kết, trong đó nâng cấp hạ tầng mạng lưới 85 tỷ đồng (đạt 81% cam kết), hoạt động an sinh xã hội 74 tỷ đồng (đạt 70,5% cam kết).

Đến nay, tập đoàn đã hoàn thành việc góp vốn xóa nhà tạm cho 2.270 hộ gia đình từ, xây dựng trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mưởng Tè và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2011, đang xây dựng cơ sở dạy nghề tổng hợp huyện Sìn Hồ (ước đạt 60% khối lượng).

Ngoài ra, 24 căn nhà cho gia đình chính sách và người có công đã được xây dựng và bàn giao xong, 17 khu nhà bán trú dân nuôi cho 17 trường trung học cơ sở đã được đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả lớn về mặt xã hội. Công trường lao động xã hội huyện Sìn Hồ đã được xây dựng xong, còn Công trường lao động xã hội huyện Mường Tè đã được cải tạo, nâng cấp.

Suốt từ năm 2009 đến nay, hàng trăm cháu học sinh trung học cơ sở người dân tộc Mảng và La hủ đã được VNPT cung cấp tiền ăn hàng năm, và VNPT cam kết sẽ cung cấp tiền ăn cho các cháu đến năm 2020. Trong nỗ lực giúp các huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững, VNPT phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên đã hoàn thành lắp đặt 63 điểm truy cập Internet cho 63 huyện nghèo trên cả nước, mỗi điểm có từ 7 - 10 máy tính.

Chia sẻ với
Pháp luật Việt Nam
ngay khi vừa khai trương điểm bán trú dân nuôi trường trung học cơ sở xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), ông Nguyễn Thanh Bình – đại diện VNPT cho biết, VNPT đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có sự thống nhất, điều chỉnh kịp thời kế hoạch, phương án triển khai. Trong quá trình triển khai cần có sự hợp tác, phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác có thế mạnh trong từng lĩnh vực để nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ.

“Như VNPT đã phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai các chương trình nhà ở tại các xã biên giới, hợp tác với Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai điểm truy cập Internet tại các trường học của 63 huyện nghèo” – ông Bình nói.

Còn những “điểm nút” cần gỡ

Trong số các chương trình thực hiện Nghị quyết 30a, có một số chương trình chậm triển khai. Ví như, gói tài trợ thiết bị cho 02 bệnh viện huyện Sìn Hồ và Mường Tè không tài nào thực hiện được, do bệnh viện chưa xây xong, hoặc đào tạo cán bộ y tế nhưng chưa thống nhất được chương trình ứng dụng trên các thiết bị cụ thể. Còn công trình cơ sở dạy nghề tổng hợp huyện Sìn Hồ chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu thi công…

“Đây cũng là công việc chúng tôi phải khắc phục trong thời gian tới. VNPT sẽ phối hợp với UBND tỉnh, Sở Y tế Lai Châu để đẩy nhanh tiến độ cung cấp trang thiết bị cho 02 bệnh viện huyện mới hoàn thành và đưa vào sử dụng” – đại diện VNPT cho biết.

Quá trình triển khai hỗ trợ giảm nghèo còn có nhiều phát sinh vì thời gian triển khai dài nên có nhiều biến động về giá cả vật liệu, khối lượng thi công, mà đơn giá xây dựng ở hai huyện rất cao do điều kiện khó khăn. Ngoài ra, tình trạng tái nghèo và thống kê hộ nghèo chưa chính xác, thiếu cập nhật kịp thời,… trong khi sự trao đổi thống nhất giữa hai cấp chính quyền (huyện và tỉnh) còn thiếu vì vậy rất khó cho doanh nghiệp có cơ sở, nguồn kinh phí thực hiện, trong điều kiện kinh doanh khó khăn đòi hỏi luôn luôn phải kiểm soát chặt chẽ để tiết kiệm chi phí.

“Vì thế, đối với các tỉnh có từ hai huyện nghèo trở lên, cần có sự thống nhất chương trình từ cấp tỉnh và sự vào cuộc tích cực, sát sao của chính quyền địa phương các cấp,  đảm bảo không bị lúng túng, có quy trình rõ ràng, mỗi cấp, mỗi cá nhân đều nhận thấy trách nhiệm trong việc triển khai, tránh hiện tượng đùn đẩy nhiệm vụ” – đại diện VNPT kiến nghị.

Trong những năm qua, bằng việc sử dụng các nguồn kinh phí khác nhau, VNPT đã hỗ trợ nhiều hoạt động ASXH như làm nhà cho đồng bào nghèo, gia đình chính sách, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, hỗ trợ xây nhà ở cho các cháu học sinh nội trú, hỗ trợ làm cầu thay cho “cầu khỉ”,… tổng kinh phí hỗ trợ bình quân hàng năm khoảng 60-70 tỷ đồng. 

(--- Tin Tập Đoàn ---)