Năng suất tăng, người nông dân phấn khởi
(04-05-2013 03:00:03)

Những năm gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc chuyển đổi này đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần trên cùng một diện tích.

Những năm gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc chuyển đổi này đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần trên cùng một diện tích.

Nhiều nông dân xã Bông Trang đã chuyển đổi từ trồng điều sang trồng cây thanh long cho năng suất, thu nhập cao hơn.


Tìm tòi, nghiên cứu thị trường để chuyển đổi sang những loại cây trồng khác có lợi nhuận kinh tế cao hơn và lại phù hợp với thổ nhưỡng là cách làm mà ông Hồ Văn Kiệt (ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) thực hiện trong nhiều năm qua. “Năm 1998, khi đến sinh sống tại xã Sông Xoài, thấy bà con nông dân ở đây trồng cà phê cũng sống được, tôi đã mua 4.000m2 đất đã trồng cây cà phê. Nhưng do vườn cây già cỗi, giá cả bấp bênh nên tôi thua lỗ nhiều. Nghe đài, đọc báo tôi được biết ở một số nơi trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi tại địa phương chưa thấy ai trồng, tôi nghĩ mình nên thử nghiệm xem sao” - ông Kiệt cho biết. Năm 2000, ông Kiệt vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua thêm 6.000m2 đất, đồng thời phá bỏ 4.000m2 cây cà phê và lấy giống bưởi Năm Roi từ Tiền Giang về trồng. Sau 3 năm, vườn bưởi đã cho thu hoạch. “Đến năm 2005, tôi thu hoạch được 15 tấn bưởi, thu lãi 100 triệu đồng. Có tiền lãi, tôi mua thêm 1,5ha đất để trồng bưởi da xanh. Đến nay, vườn bưởi đã cho thu hoạch với năng suất cao, giá bán ổn định, tôi có thể thu lãi từ 300-400 triệu đồng/ha. So với trồng cà phê thì trồng bưởi có hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần” - ông Kiệt kể.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao là cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc). 5 năm trở lại đây, tại xã Bông Trang hầu hết các hộ trồng điều, tiêu đã từng bước thay thế các loại cây khác như tràm, thanh long… Ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang cho biết: “Khoảng 4 năm trở lại đây, do thời tiết thất thường, các loại cây như điều, tiêu liên tiếp bị mất mùa, năng suất sụt giảm từ 20 -50%, giá cả bấp bênh nên xã đã định hướng để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, cây thanh long đang có thế mạnh vì phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất cao, tiêu thụ dễ nên được nông dân ưu tiên chọn thay thế cây điều, tiêu. Đồng thời, xã từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Ông Nguyễn Tông Hạ, nhà ở ấp Trang Định cho biết, năm 2009, ông chặt bỏ 8 sào điều để chuyển sang trồng cây thanh long, trong đó có 4 sào thanh long ruột đỏ. Ông Hạ cho hay: “Cùng 1 diện tích nhưng hiệu quả kinh tế của cây điều chỉ bằng 1/10 cây thanh long. Sau khi trừ chi phí, 8 sào điều chỉ cho thu nhập 20 triệu đồng/năm, trong khi đó thanh long cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng định hướng cho nông dân trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp như: Chuyển đổi lúa một vụ năng suất thấp sang trồng rau màu; tiếp tục xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với việc chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp canh tác tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Riêng vụ Đông Xuân 2013, toàn tỉnh có gần 1.200ha lúa và đất được chuyển đổi luân canh sang trồng các cây ngắn ngày như bắp, rau, đậu... tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Đức, Long Điền và Đất Đỏ. Theo bà Nguyễn Thị Hiến, Chi cục phó Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giảm áp lực nguồn nước tưới trong sản xuất mà còn giúp hạn chế nguồn sâu bệnh gây hại cho cây trồng trên cùng một diện tích sản xuất, đồng thời giúp tăng thu nhập cho người dân. Qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực, năng suất tăng lên từ 2-3 lần trên cùng một diện tích.

(--- Báo Vũng Tàu ---)