Năm nay mưa bão sẽ đến sớm
(09-05-2013 03:00:04)

Năm 2013, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, bão và áp thấp nhiệt đới đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, đòi hỏi các địa phương sớm lên kế hoạch ứng phó.

Năm 2013, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, bão và áp thấp nhiệt đới đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, đòi hỏi các địa phương sớm lên kế hoạch ứng phó.

Theo dự báo năm nay mùa mưa bão đến sớm và diễn biến khá phức tạp. Các địa phương, nhất là những nơi có biển cần chủ động phương án ứng phó. Trong ảnh: Ghe tàu neo đậu tại cảng cá Bến Đình (TP. Vũng Tàu).


Ông Trần Văn Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, năm nay bão và áp thấp nhiệt đới sẽ hoạt động mạnh và nhiều hơn trung bình nhiều năm, có khoảng 11 đến 13 cơn hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong đó, có ít nhất một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12. Chính vì vậy, các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh cần đề phòng nước dâng, triều cường trong những tháng cuối năm, do gió mùa Đông Bắc mạnh hoạt động liên tục, kết hợp với thủy triều cao. Ngoài khơi Vũng Tàu, Côn Đảo thường có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7, biển động đến động mạnh.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng tránh như: Thực hiện nghiêm túc các thông tin về thời tiết, dự báo khí tượng thủy văn, bản tin các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, động đất, sóng thần… Theo ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác phòng chống lụt bão của tỉnh phải tuân thủ theo phương châm “4 tại chỗ”: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ”, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn. Việc thông tin truyền thông, dự báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm thường xuyên, kịp thời để nhân dân và các ngành chủ động đối phó. Các địa phương trong tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn.

Các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, bảo đảm cho việc thoát nước kịp thời khi có ngập úng do mưa bão. Trong ảnh: Hệ thống kênh mương tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) đang được hoàn thiện.


Từ cuối tháng 3-2013 đến nay, tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương trong tỉnh. Hiện các huyện như: Tân Thành, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc… đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân xây dựng các công trình phòng tránh, trú bão tại chỗ. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện đã bố trí các tổ, đội y tế và có kế hoạch chuẩn bị thuốc dự phòng, lương thực, thực phẩm, lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương án phòng chống lụt bão đã được duyệt. Ông Lê Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, công tác phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn ở huyện Châu Đức luôn được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó, lấy phòng, tránh là chính. Huyện đã xác định các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ, lụt do vỡ đập chủ yếu tại các xã: Đá Bạc, Quảng Thành, Bình Giã, Kim Long, Suối Nghệ, Nghĩa Thành, Xuân Sơn, Sơn Bình và Láng Lớn… với 1.722 hộ, hơn 5.866 nhân khẩu cần phải sơ tán đến các vùng cao hoặc trú ẩn khi xảy ra lũ lụt. Để phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, huyện Châu Đức đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị thông tin liên lạc; lương thực, thực phẩm, y tế; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân khi có thiên tai xảy ra.

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với ngư dân, ngay từ đầu mùa mưa bão hàng năm, các cơ quan chức năng và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã tăng cường và quản lý chặt chẽ công tác đăng kiểm tàu thuyền, bảo đảm các phương tiện khai thác hải sản, nhất là các tàu đánh bắt cá xa bờ phải đủ các trang thiết bị an toàn khi hoạt động trên biển. Ngành thủy sản cũng chủ động phối hợp với các địa phương, các đồn biên phòng tuyên truyền cho ngư dân những văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên biển, hướng dẫn chủ phương tiện tàu cá trang bị các thiết bị an toàn hàng hải, các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn… trước khi ra khơi đánh bắt. Đồng thời, mỗi khi có bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ đội Biên Phòng thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết rõ vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

(--- Báo Vũng Tàu ---)