Khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo
(11-05-2013 03:00:06)

Việt Nam có bờ biển trải dài 3.260km. Biển Việt Nam là nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có thể phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng. Do vậy, việc tăng cường các nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhất là vùng biển, hải đảo được bà con ngư dân quan tâm.

Việt Nam có bờ biển trải dài 3.260km. Biển Việt Nam là nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có thể phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng. Do vậy, việc tăng cường các nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhất là vùng biển, hải đảo được bà con ngư dân quan tâm.

Ngư dân TP.Vũng Tàu đầu tư đóng mới tàu trọng tải lớn đánh bắt xa bờ.


BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÀ BẢO VỆ CÁC NGUỒN LỢI KINH TẾ

Hầu hết ngư dân trong tỉnh đều khẳng định rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định mạnh mẽ độc lập, chủ quyền đất nước. Ngay tại Chương I, Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 1) Dự thảo đã nhấn mạnh: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Tại Chương III, Điều 55 (sửa đổi, bổ sung Điều 24, Điều 26) cũng nêu rõ: “Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế”. Điều đó cho thấy, vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước luôn được đặt lên hàng đầu. Bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền là nền tảng tư tưởng cho mọi hành động của con người, tổ chức hợp pháp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam, trong nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển mang lại đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước. Theo ước tính hiện nay, tỷ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển chiếm 48% GDP cả nước. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua đã xác định mục tiêu: “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP của cả nước”. Ông Kháng nhấn mạnh: “Theo tôi, để làm được điều đó, việc khẳng định được chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển, hải đảo là hết sức quan trọng. Tôi kiến nghị, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phải khẳng định rõ: Chủ quyền của Việt Nam đối với đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo là bất khả xâm phạm. Đồng thời nghiên cứu cẩn trọng để đưa vào Hiến phải sửa đổi công bố chủ quyền đối với vùng biển và hai đảo Trường Sa, Hoàng Sa”.

MỖI NGƯ DÂN LÀ MỘT CHIẾN SĨ BẢO VỆ VÙNG BIỂN

Ông Nguyễn Công Huyên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phân tích, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định lập trường trước sau như một: Bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Và việc khẳng định chủ quyền và bảo vệ biển đảo là một trong những nội dung quan trọng của vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, nếu vùng biển quốc gia không được bảo vệ nghiêm ngặt và hiệu quả thì sẽ có nhiều bất lợi. Thứ nhất là, ngư dân ngại đánh bắt xa bờ, vì thực tế đã có nhiều trường hợp ghe tàu đánh bắt ở vùng giáp ranh thường bị tàu lạ quấy rối, gây khó dễ, thậm chí rượt đuổi, mất cả ghe tàu. Thứ hai là, bản thân mỗi ngư dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Hiện trong tỉnh đã hình thành các tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển với lực lượng thanh niên ngư dân hùng hậu. Nếu tập hợp lực lượng đó thành những vệ tinh cung cấp thông tin và huấn luyện để họ sẵn sàng sát cánh cùng với cảnh sát biển, bộ đội biên phòng thực hiện chương trình bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên biển là phù hợp và hiệu quả. “Muốn vậy, theo tôi, nên đưa thẳng vào Điều 69 của Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc các chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Để qua đó nhấn mạnh quyết tâm, ý chí, sự chủ động, sẵn sàng ứng phó của lực lượng ngư dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” - ông Huyên nói.

Ông Võ Nòng, ngư dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cũng tán thành ý kiến này. Ông nói: “Nguồn lợi hải sản và sự bình yên trên biển là hết sức quan trọng đối với ngư dân. Chúng tôi đầu tư tất cả tiền của vào ghe tàu, ngư cụ, nhưng làm sao quan trọng bằng tính mạng của mình và của cả nền độc lập chủ quyền dân tộc. Bà con ngư dân tự nguyện thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển không chỉ để cùng phối hợp, hỗ trợ làm ăn, giúp đỡ nhau mà còn nhằm mục đích sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp trên biển, nhất là bảo vệ an toàn tính mạng và bảo vệ an ninh quốc gia. Tôi đề nghị Trung ương đánh giá đúng và đưa vào Hiến pháp vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia trên biển”.

(--- Báo Vũng Tàu ---)