Gánh nặng đặt lên vai các trường nghề
(05-05-2013 03:00:00)

Kết thúc đợt khảo sát hệ thống các trường dạy nghề phía Nam, trong đó có trường Cao đẳng Nghề Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân đã dành cho Báo Bà Rịa – Vũng Tàu cuộc trao đổi xung quanh giải pháp đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Kết thúc đợt khảo sát hệ thống các trường dạy nghề phía Nam, trong đó có trường Cao đẳng Nghề Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân đã dành cho Báo Bà Rịa – Vũng Tàu cuộc trao đổi xung quanh giải pháp đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Học viên Trường Cao đẳng Nghề trong giờ thực hành tại xưởng. Ảnh: Gia An


* P.V: Thưa ông, ông nghĩ thế nào về định hướng phát triển CNHT và các giải pháp thúc đẩy ngành này phát triển?

- Ông Dương Đức Lân: Định hướng phát triển CNHT là mũi đột phá chiến lược của kinh tế nước ta. Đó là nền công nghiệp cung ứng toàn bộ những sản phẩm có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm… Hoặc cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Sản phẩm CNHT thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, CNHT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng vừa chuyên sâu. Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn 2020 được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh việc tập trung vào 5 nhóm ngành cơ bản là điện tử - tin học, dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo. Trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao được coi là trọng tâm, tạo tiền đề thu hút đầu tư từ các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Mỹ. Để thúc đẩy quá trình này, trước mắt cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp là: Tạo dựng môi trường đầu tư, đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, về nhân lực. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển hạ tầng cơ sở và liên kết doanh nghiệp.

* Ông có thể trao đổi thêm về giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực?

- Ở góc độ ngành chuyên môn, tôi cũng muốn bàn sâu về công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tôi cho rằng, đẩy mạnh đào tạo lực lượng lao động đáp ứng phát triển CNHT là một trong những nhiệm vụ được đặt lên vai hệ thống các trường nghề. Thông qua chương trình đào tạo của trường và nhiều hoạt động hợp tác giáo dục, cần hướng tới mục tiêu đào tạo ra những công nhân lao động tay nghề cao, có tác phong công nghiệp, kỷ luật nghiêm và thái độ làm việc tận tình. Theo chủ trương của Chính phủ và theo Chiến lược Dạy nghề giai đoạn 2010 - 2020, cả nước ta đặt ra yêu cầu đột phá về chất lượng dạy nghề đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19-4-2011 về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Dạy nghề xây dựng Đề án phát triển các trường dạy nghề chất lượng cao từ nay đến 2015 và 2020. Theo đó, Bộ đã chọn 40/500 trường Trung cấp (TC) và Cao đẳng (CĐ) Nghề trong cả nước để tập trung đầu tư xây dựng thành trường Nghề chất lượng cao, trong đó có Trường CĐ Nghề Bà Rịa – Vũng Tàu.

* Qua chuyến thăm và làm việc với trường CĐ Nghề Bà Rịa – Vũng Tàu, ông đánh giá như thế nào về thực lực của trường? Những công việc cần làm tiếp theo để xây dựng thành trường chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNHT cuả tỉnh?

- Tôi cho rằng, cơ sở trường lớp, xưởng thực hành của trường như hiện nay đã thể hiện được sự quan tâm đầu tư khá mạnh mẽ của Bộ, của tỉnh trong những năm gần đây. Bản thân nhà trường cũng nỗ lực cải tiến và hoàn thiện từng bước chương trình đào tạo và ngành nghề hiện có. Trường tuy còn non trẻ nhưng phát triển đúng hướng. Qua thăm xưởng thực hành cũng như các khoa của trường và được biết trường có liên kết với các đối tác Nhật Bản, xây dựng được nề nếp, vệ sinh phòng học, nhà xưởng đạt chuẩn, kỷ luật học tập - lao động và tác phong công nghiệp cho học viên tôi rất mừng. Đó là điều cần thiết hiện nay. Nhiều người sử dụng lao động không kêu về kỹ năng tay nghề mà kêu nhiều về kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp còn rất hạn chế. Trường cũng đã xây dựng mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp Nhật Bản, liên kết có hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước, phối hợp đào tạo thực hành và sử dụng lao động sau đào tạo… Tuy nhiên, vấn đề chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý về nhiều mặt - trình độ sư phạm, chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cần phải tăng lên, để đầu ra sản phẩm người lao động đạt yêu cầu như các nước tiên tiến, so với Nhật Bản chẳng hạn, trình độ giáo viên, chương trình, tiêu chuẩn nghề, phương pháp đánh giá, cách thức tiếp cận như hiện nay vẫn còn là một thách thức lớn, vì chúng ta hãy còn khoảng cách so với họ. Thời gian tới phải san lấp khoảng cách đó bằng cách đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài, đầu tư cơ sở trường lớp, trang thiết bị thực hành đúng chuẩn…. Đó là mục tiêu đồng thời là thách thức đối với Trường CĐ Nghề Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và của hệ thống các trường nghề trong cả nước nói chung.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(--- Báo Vũng Tàu ---)