Chưa quản lý được các hộ thuê, khoán rừng
(16-05-2013 03:00:09)

Rừng đặc dụng Bình Châu - Phước Bửu sẽ tiếp tục bị tàn phá nếu không thay đổi công tác bảo vệ. Đó là khẳng định của các thành viên tham gia đoàn giám sát “Công tác bảo vệ phát triển rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu” do Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện trong ngày 9-5-2013.

Rừng đặc dụng Bình Châu - Phước Bửu sẽ tiếp tục bị tàn phá nếu không thay đổi công tác bảo vệ. Đó là khẳng định của các thành viên tham gia đoàn giám sát “Công tác bảo vệ phát triển rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu” do Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện trong ngày 9-5-2013.

Gỗ thu giữ từ khai thác trái phép được để tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.


Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu cho biết, đơn vị này hiện đang quản lý bảo vệ thơn 10.509,2ha rừng và đất lâm nghiệp (trước năm 2000 là 11.392,7ha). Trong đó, đất chưa có rừng là 2.759,9ha, đất có rừng 7.713,3ha (rừng tự nhiên 6.625,7ha và 1.087,6ha rừng trồng). Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng tuy đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn diễn biến phức tạp: Tính từ đầu năm đến nay, Khu bảo tồn và hạt kiểm lâm Bình Châu - Phước Bửu đã phát hiện và lập biên bản 63 vụ vi phạm Luật phát triển bảo vệ rừng. Trong đó đã xảy ra 4 vụ có hành vi đe dọa, chống đối lực lượng kiểm lâm, phá trụ sở làm việc. Tình trạng lấn chiếm đất rừng cũng đang diễn ra khá phức tạp…

Theo ông Lê Văn Khanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, sự phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa cơ quan quản lý rừng và chính quyền địa phương vẫn chưa nhịp nhàng. Đời sống của một số bộ phận dân cư gần rừng còn khó khăn, không có việc làm ổn định nên thôi thúc họ vào rừng chặt phá lâm sản để kiểm sống. Trong khi đó, cán bộ làm việc tại Khu Bảo tồn thường xuyên đối mặt với nguy hiểm mà chế độ hỗ trợ còn thấp nên hầu hết đều chưa yên tâm công tác…

Qua thực tế kiểm tra, các thành viên trong đoàn giám sát đã chỉ rõ, công tác bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu đang có vấn đề khi chưa nắm được hoạt động của các đối tác thuê, khoán rừng để kinh doanh du lịch, làm nông nghiệp. “Rừng sẽ bị tàn phá khi không quản lý được việc cho thuê, khoán rừng ngay trong rừng đặc dụng”, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, thành viên của đoàn giám sát khẳng định. Cùng với ý kiến này, ông Trương Thành Công, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học của tỉnh cho rằng: Không quản lý được hoạt động của hơn 300 hộ dân và tổ chức nhận giao khoán rừng thì mọi giải pháp, nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng sẽ bị phá sản. Mặt khác, việc để tồn tại 100ha trồng điều của người dân bao chiếm và có hàng chục dự án du lịch ngay trong rừng đặc dụng mà không có giải pháp quản lý cụ thể thì tình xâm hại rừng sẽ còn tiếp tục xảy ra…

Theo đánh giá ban đầu của đoàn giám sát, đây chính là những nguyên nhân chính làm cho những nỗ lực giảm bớt những tác động tiêu cực có hại đến rừng như: Làm hàng rào bảo vệ trên diện tích 7.000ha tại phân khu đặc dụng, tổ chức giao khoán, trồng mới các loài cây bản địa… nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Rừng Bình Châu - Phước Bửu là khu rừng tự nhiên hiếm còn lại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tính đa dạng sinh học cao. Về môi trường, đây là khu rừng nằm sát biển có lợi ích to lớn trong việc chắn gió bão, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của hàng chục nghìn người dân các xã ven biển. Trước những vấn đề này, ông Trần Phúc Chỉnh, trưởng Ban Kinh tế -Ngân sách HĐND tỉnh, trưởng đoàn giảm sát đã đề nghị Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu tăng cường phối hợp với ngành kiểm lâm; ngăn chặn triệt để hiện tượng cán bộ bảo vệ rừng thông đồng với bên ngoài để vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng. Rà soát lại diện tích trồng điều và các hợp đồng thuê, khoán rừng báo cáo HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất có giải pháp khắc phục.

(--- Báo Vũng Tàu ---)