Truyền hình trả tiền: Thị trường đầy tiềm năng và thách thức
(16-09-2014 03:00:00)

Từng có thời gian phát triển nhanh, mạnh nhưng đến nay thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn… Đó là nhận định chung được đưa ra tại tại Hội nghị Quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền Việt Nam (Vietnam in view) vừa diễn ra tại Hà Nội.

 

 

Thị trường vẫn ở giai đoạn quá độ

Dịch vụ truyền hình trả tiền bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1993 với sự ra đời của dịch vụ truyền hình cáp vô tuyến MMDS. Đến nay, dịch vụ này đã phát triển tương đối mạnh với sự phổ biến của dịch vụ truyền hình cáp hữu tuyến. Đến cuối năm 2013, trên cả nước đang có trên 30 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Và đến thời điểm hiện nay, thị trường truyền hình trả tiền có 4 loại hình dịch vụ, đó là: truyền hình cáp (gồm cả IPTV), truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất và truyền hình di động. Dù đã phát triển được 10 năm nhưng hiện tổng số thuê bao của dịch vụ mới đạt trên 6 triệu thuê bao.

Tại Hội nghị Vietnam in view, một chuyên gia thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cố vấn của Hiệp hội truyền hình trả tiền tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA) cho rằng,  Việt Nam có 90 triệu dân, có hơn 20 triệu thuê bao tivi, tốc độ xâm nhập thị trường truyền hình mới đạt 25% dân số, trong khi ở các nước trong khu vực mức độ xâm nhập thị trường truyền hình trả tiền vào khoảng 31,8%. Với chỉ hơn 6 triệu thuê bao như hiện có, theo ông Thành tiềm năng của thị trường truyền hình trả tiền còn rất lớn, nhưng đây cũng là thách thức với các cơ quan quản lý nhằm tạo ra các cơ chế mới để có bước phát triển nhanh và bền vững cho thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam. 

Ở góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ để thích nghi với chính sách quản lý mới của nhà nước. Vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy thị trường này phát triển, thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp dịch vụ để tạo hành lang pháp lý cho thị trường truyền hình trả tiền phát triển. Ông Bảo thông tin thêm, trước đây, lĩnh vực truyền hình trả tiền được áp dụng cơ chế chủ yếu quản lý về nội dung thông tin, vì vậy thiếu những quy định cụ thể về thị trường, hạ tầng, công nghệ kỹ thuật và dịch vụ. Đây chính là lý do trong hơn 10 năm qua, mặc dù truyền hình trả tiền có bước phát triển đáng kể, từng bước đi vào đời sống xã hội nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Để thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chính sách quan trọng, từng bước sắp xếp và hình thành thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền với quan điểm quản lý rõ ràng và phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và dịch vụ.

MyTV cạnh tranh bằng sự khác biệt

Cách đây 5 năm, VNPT cũng đã tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền với dịch vụ truyền hình IPTV với tên thương hiệu đã khá quen thuộc với khách hàng: MyTV. Qua 5 năm phát triển, từ những bước đi ban đầu khó khăn mở rộng thị trường từ khu vực thành thị đến nông thôn, hải đảo xa xôi, đến nay đã có gần 1 triệu thuê bao, tương đương khoảng 4 triệu người sử dụng gắn bó với MyTV.

Hướng tới dịch vụ chất lượng cao là tiêu chí hàng đầu của MyTV. Ngay từ ban đầu, khi thị trường truyền hình vẫn quen thuộc với chất lượng hình ảnh SD, MyTV đã đầu tư hệ thống và công nghệ để mang đến các nội dung có chất lượng hình ảnh lên tới HD với âm thanh sống động đến cho khán giả truyền hình Việt Nam. Để bất kỳ người dân ở đâu cũng có thể tiếp cận được dịch vụ, năm 2013 MyTV đã cho ra mắt gói MyTV Flexi bên cạnh 4 gói cước truyền thống tại những khu vực có địa hình phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng đường truyền. Nhiều khách hàng đã bất ngờ khi đi nghỉ mát tại khách sạn 5 sao như Vinpearl Nha Trang hay công tác tại đảo Hòn Tre vẫn có thể thưởng thức dịch vụ MyTV vốn rất thân thuộc tại nhà mình.

Khách hàng MyTV ở mọi lứa tuổi đều có thể tìm thấy những nội dung hay loại hình giải trí phù hợp với bản thân: thưởng thức những bộ phim tình cảm lãng mạn hay hành động gay cấn, tập trung bè bạn hát karaoke, nghe nhạc hoặc radio, đọc tin tức hàng ngày, nhắn tin cho bạn bè, tham gia các bài giảng bổ ích online hay học nấu ăn, trang điểm, tập nhảy zumba… Không chỉ mang đến sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung và thời gian giải trí, MyTV còn tạo ra không gian gắn kết các thành viên trong một gia đình.

Sự phát triển về công nghệ số giúp các doanh nghiệp có thể cung cấp nhiều loại hình dịch vụ chất lượng cao trên cùng một hạ tầng. Theo xu thế đó, dịch vụ MyTV đã “bám” vào hạ tầng mạng mạnh và rộng khắp của Tập đoàn VNPT trên toàn quốc để cung cấp các gói cước kết hợp giữa truyền hình và viễn thông, hoặc kết hợp với các nhà cung cấp truyền hình khác như K+, VTVcab. Đồng thời, MyTV cũng đã xây dựng nền tảng để cung cấp dịch vụ MyTV trên nhiều hạ tầng khác nhau: IPTV, cáp, vệ tinh, trên máy tính, mobile…

Chính nhờ những ưu thế về mặt công nghệ và sự nhạy bén trong việc phát triển các dịch vụ gia tăng nên dù thị trường truyền hình trả tiền hiện nay ở Việt Nam đang cạnh tranh hết sức mạnh mẽ với khá đông nhà cung cấp dịch vụ nhưng MyTV vẫn tạo sự khác biệt và thực sự tạo nên cuộc cách mạng trong công nghệ truyền hình tương tác đa phương tiện tại Việt Nam, giành được sự yêu mến của với khách hàng trên toàn quốc, trở thành dịch vụ thân thiết và không thể thiếu của mọi gia đình.

Tiến Dũng

(--- Tin Tập Đoàn ---)